|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] COVID-19 khiến người trồng lúa Đông Nam Á chịu ảnh hưởng

11:27 | 28/08/2020
Chia sẻ
Trong vài thập kỉ qua, ngành trồng lúa trên khắp Đông Nam Á đã phải chứng kiến tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng khi người trưởng thành trong độ tuổi lao động di cư đến các thành phố lân cận và ra nước ngoài để kiếm việc làm tốt hơn. Mọi thứ trở nên khó khăn hơn khi dịch COVID-19 làm gia tăng sự bất ổn cho người trồng lúa.

Việc thiếu lao động ngày càng trầm trọng ở khu vực nông thôn đã thúc đẩy người nông dân gia tăng cơ giới hóa sản xuất lúa, chuyển sang các giống năng suất cao hơn và sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ hơn. Tuy nhiên tất cả điều này đều đòi hỏi khoản đầu tư lớn hơn.

COVID-19 khiến người trồng lúa chật vật hơn

Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi đại dịch COVID-19 làm gia tăng sự bất ổn cho người trồng lúa. 

Đối với người lao động nhập cư, đại dịch đã gây ra tình trạng mất việc làm chưa từng có và làm gián đoạn dòng kiều hối. Tại Thái Lan, trong khi chỉ có 4% người di cư được cho là đã trở về nhà, lượng kiều hối quốc tế đã giảm từ 361 tỉ USD vào tháng 3 xuống còn 286 tỉ USD vào tháng 4, giảm 21%. 

Trên khắp cả nước, những người dân địa phương sống dựa vào các trang trại nhưng với công việc khác cũng bị giảm thu nhập.

Trong một cuộc khảo sát qua điện thoại vào tháng 6 đối với 30 hộ nông dân Thái Lan, hơn 80% cho biết đã gieo vụ mùa mưa của năm nay (từ tháng 4 đến tháng 6) như thường lệ. 

Những người không gieo trồng cho biết họ bị hạn chế bởi tình trạng hạn hán, không phải vì COVID-19, nhưng hơn 65% nông dân cho biết có vấn đề với việc thu mua nguyên liệu đầu vào như hạt giống và phân bón. Khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế và các rào cản tài chính khác cũng được đề cập.

Các chính sách hỗ trợ đã được triển khai, theo eurasiareview. Chính phủ Thái Lan đang cấp cho nông dân 5.000 baht/tháng từ tháng 5 đến tháng 7. Những nông dân được khảo sát cho biết họ đang sử dụng số tiền này để duy trì sản xuất lúa gạo. 

Ở Campuchia, chính phủ cũng đề nghị một số khoản giảm nợ cho nông dân. Còn tại Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân đã sáng chế ra máy phát gạo để cung cấp gạo hàng ngày cho các hộ nghèo, do đó hỗ trợ cả người trồng lúa và người thất nghiệp. 

Tại Myanmar và Lào, các báo cáo cho thấy nông dân đã không thể huy động tiền để trồng lúa vì những khoản vay của chính phủ đã bị tạm dừng và các tổ chức tài chính vi mô tạm ngừng hoạt động.

[Phần 2] COVID-19 khiến người trồng lúa Đông Nam Á lao đao - Ảnh 1.

Người dân trồng lúa ở Việt Nam. Nguồn: eurasiareview.

Hạn hán năm 2019 – 2020 khiến nông dân ở miền Bắc của Lào thậm chí không sản xuất đủ gạo để tiêu dùng trong gia đình. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) báo cáo 80% nông dân ở một số tỉnh đã hết lúa trong tháng 4 và cần phải chờ thêm 7 tháng nữa trước khi vào vụ thu hoạch tiếp theo. 

COVID-19 đã khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm việc làm phi nông nghiệp để kiếm tiền mua thực phẩm, và một số người được cho là đã buộc phải kiếm ăn trong rừng.

Đại dịch ảnh hưởng tới toàn xã hội

Mặc dù lương thực vẫn có sẵn trong toàn khu vực, COVID-19 đã gây mất an ninh lương thực ở nhiều khu vực thành thị do thu nhập giảm trong thời gian dừng hoạt động. 

Người dân tại Bangkok, Chiang Mai, Yangon và các thành phố Đông Nam Á khác bị mất việc làm không còn khả năng trả tiền thuê nhà hoặc mua thực phẩm. Các tài xế taxi, người bán hàng rong, lao động theo ngày, người già, và những người khác hiện dựa vào các ngân hàng lương thực tình nguyện để tồn tại. 

FAO đã cảnh báo một đại dịch kéo dài sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng thực phẩm, ảnh hưởng đến mọi người từ người tiêu dùng, tới người nông dân, người trung gian và người bán lẻ.

Ở một số nơi trong khu vực, việc tiếp cận nước sạch cũng đang trở thành vấn đề, cả do hạn hán và do việc chú trọng rửa tay trong các chiến dịch quốc gia về nâng cao nhận thức về COVID-19. 

Tại Campuchia và Lào, các báo cáo cho thấy nhiều vùng nông thôn không có đủ nước sạch để uống và vệ sinh. 

Bức tranh ở một số khu đô thị đông dân cư cũng không kém phần nghiệt ngã. Tổng Cục trưởng Cơ quan Cấp nước Phnom Penh, Campuchia ước tính nhiều quận ở Phnom Penh có khả năng thiếu nước sạch trong ba năm nữa.

Ở Đông Nam Á, COVID 19 đã ảnh hưởng đến hoạt động canh tác lúa theo nhiều mặt, gồm bảo đảm quyền sở hữu đất và tiếp cận tín dụng, vốn đầu vào, thu nhập từ kiều hối, thực phẩm và nước an toàn. 

Tố Tố