Phải chấn chỉnh ngay các điểm nóng xây dựng trái phép
Sáng 12-12, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết ba tháng thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Vướng trong cắt điện, nước công trình vi phạm
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình cho biết sau hơn bốn tháng (tháng 7, 8, 9, 10) thực hiện Chỉ thị số 23, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực. Dẫn chứng là so với sáu tháng đầu năm thì số công trình vi phạm đã giảm gần 37%.
Tuy nhiên, ông Bình cũng khẳng định mặc dù vi phạm trật tự xây dựng có xu hướng giảm nhưng việc xử lý các công trình vi phạm còn tồn đọng trước đây vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tỉ lệ thực hiện chưa cao.
“Việc không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm” - ông Bình trăn trở về việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với các công trình vi phạm nhưng chưa thực hiện được.
Lý giải nguyên nhân chưa áp dụng được giải pháp cắt điện, đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM cho biết quy định hiện hành chỉ cho phép cắt điện đối với ba trường hợp: Khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế thì ngành điện phối hợp; vi phạm về sử dụng điện như câu móc trái phép; ngành điện với hộ dân thỏa thuận ngừng cung cấp điện.
“Việc thỏa thuận ngưng cung cấp điện cũng phải thực hiện theo quy định.
Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 139/2017 không quy định cắt điện trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nên ngành điện không thực hiện việc ngưng cấp điện với các hộ này” - đại diện tổng công ty này nói và cho biết đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương nhưng bộ này trả lời không thực hiện cắt điện trong những trường hợp vi phạm xây dựng.
Về giải pháp cắt nước, đại diện Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng cho biết Nghị định 180/2007 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị có quy định cho phép ngưng cung cấp nước đối với công trình vi phạm.
Nhưng Nghị định 139/2017 thay thế không quy định rõ điều này. Do đó, tổng công ty mới chỉ vận dụng quy định của UBND TP yêu cầu các đơn vị cấp nước không gắn đồng hồ mới cho các đơn vị vi phạm.
Đồng thời tạm ngưng cấp nước khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền. “Chúng tôi sẽ đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định rõ hơn để đơn vị cấp nước có thể dừng cung cấp nước cho công trình không phép, sai phép” - đại diện tổng công ty này nói.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các quận, huyện là điểm nóng xây dựng trái phép phải chấn chỉnh ngay. Ảnh: TÁ LÂM
Tháo dỡ công trình nhà kho xây không phép của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, tại đường số 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN
Xử lý mạnh đầu nậu, chủ đầu tư làm sai
Sau khi nghe đại diện hai tổng công ty giải trình, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ kiến nghị các bộ, ngành trung ương để gỡ vướng thông qua việc quy định thêm điều khoản đối với công trình vi phạm vào hợp đồng mua bán điện.
Tuy nhiên, ông Hoan khẳng định có thể cắt điện ngay đối với hai trường hợp sau chứ không chờ ý kiến Bộ Công Thương. Một là các chủ đầu tư xây dựng không phép, sai phép trên đất không có giấy tờ đầy đủ, không đúng quy hoạch hoặc những cá nhân cho người vi phạm câu nhờ điện.
“Phải đánh cho được đầu nậu và chủ đầu tư làm sai bởi chính những hành vi này làm ảnh hưởng đến xã hội, tạo ra tâm lý lây lan và xem thường pháp luật” - ông Hoan nói và yêu cầu khi phát hiện đầu nậu và chủ đầu tư sai phạm thì phải xử lý ngay, kể cả những những người tiếp tay cho đầu nậu và chủ đầu tư.
Còn các trường hợp không áp dụng cắt điện là khi người dân xây dựng, sửa nhà của chính mình nhưng có vi phạm.
Quận Thủ Đức dẫn đầu về số vụ vi phạm xây dựngTheo báo cáo của Sở Xây dựng TP, sau ba tháng thực hiện Chỉ thị số 23, số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 804 công trình, trong đó sai phép 309 công trình và không phép 495 công trình, bình quân 5,4 vụ/ngày. Nếu so với bình quân số vụ vi phạm của sáu tháng đầu năm nay là 8,5 vụ/ngày thì số vụ vi phạm đã giảm 3,1 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 36,9%. Thống kê cũng cho thấy quận Thủ Đức dẫn đầu về số lượng vụ sai phạm trật tự xây dựng với 144 vụ, tiếp theo là quận 9 với 111 vụ và quận 12 là 100 vụ. |
Cán bộ gương mẫu, vi phạm xây dựng sẽ giảm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau bốn tháng triển khai Chỉ thị số 23, mức độ vi phạm xây dựng trên địa bàn TP đã giảm đáng kể. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt thì không thể giảm được như thế.
Một kinh nghiệm được ông Nguyễn Thiện Nhân rút ra là cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu trong chấp hành pháp luật. “Nếu cán bộ, đảng viên vi phạm sẽ không có điều kiện để lập lại trật tự.
Cán bộ, đảng viên cũng phải bức xúc với những bức xúc của người dân. Nếu người dân có nhu cầu nhà ở chính đáng thì chúng ta cũng phải trăn trở làm sao để người dân có nhà ở. Các cơ quan nhà nước hẹn nhau mà làm để bức xúc người dân được giải quyết” - ông Nhân nói.
Đối với các quận, huyện có tình trạng vi phạm xây dựng còn tăng hoặc không giảm, bí thư Thành ủy yêu cầu phải rà soát, bàn các giải pháp chấn chỉnh ngay để năm sau không có quận, huyện nào có tình trạng vi phạm xây dựng tăng.
Về các vướng mắc, ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các sở, ngành liên quan phải rà soát và củng cố cơ sở pháp lý quản lý xây dựng một cách rõ ràng và cụ thể.
Nếu thuộc thẩm quyền của ngành dọc mà quy định chưa đủ thì tập hợp kiến nghị sửa. Còn nếu liên quan đến quy định giữa các sở, ngành thì phối hợp bổ sung, hoàn thiện pháp lý.
Ngoài ra, người đứng đầu Thành ủy cũng đề nghị UBND TP cho UBND quận, huyện tạm ứng kinh phí thực hiện việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng để cơ sở chủ động triển khai.
Cuối năm 2019, Sở Xây dựng phải đưa sổ tay hướng dẫn về xây dựng xuống tất cả phường và đưa lên trang tin điện tử của sở.
|