|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Vương Quang Khải mua thêm cổ phiếu, nước ngoài đã nắm 66,95% quyền biểu quyết tại VNG

16:26 | 21/11/2019
Chia sẻ
Loại trừ số cổ phiếu có quyền biểu quyết được VNG mua lại làm cổ phiếu quỹ, tỉ lệ biểu quyết dựa trên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của các cổ đông nước ngoài đã chiếm đến 66,94% quyền biểu quyết tại VNG.
5

Ông Vương Quang Khải - Phó Tổng Giám đốc thường trực của VNG (ảnh: VNG)

Thông tin từ Công ty Cổ phần VNG, hai lãnh đạo gồm ông Vương Quang Khải và ông Thomas Loc Herron vừa mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp này. Số lượng cổ phiếu mua vào không được VNG công bố chi tiết.

Ông Vương Quang Khải hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc thường trực của VNG. Theo Báo cáo thường niên năm 2018, ông Khải sở hữu 1,73% vốn cổ phần của công ty tại thời điểm 31/12/2018.

Trong khi đó, ông Thomas Loc Herron giữ ví trí Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp. Ông Thomas từng sở hữu 0,06% vốn cổ phần của VND, tuy nhiên đã bán ra toàn bộ trước thới điểm cuối năm 2018.

Đến ngày 9/9/2019, theo cập nhật gần nhất trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tỉ lệ sở hữu của ông Thomas tại doanh nghiệp này lại tăng lên 0,03% tương ứng với 9.520 cổ phiếu nắm giữ.

Theo đó, nhiều khả năng đây là số cổ phiếu ESOP mà VNG phát hành trong tháng 9 vừa qua. Cụ thể, VNG đã phát hành thêm hơn 766.036 cổ phiếu ESOP vào ngày 9/9. Trong đó, 690.336 cổ phần được bán giá 20.000 đồng, 75.700 cổ phần còn lại được bán giá 30.000 đồng.

Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của VNG tăng từ 345,4 tỉ đồng lên 353 tỉ đồng. Danh sách cổ đông nước ngoài tại VNG cũng có sự thay đổi, trong đó, "cổ đông trong nước" sở hữu 51,96% và "cổ đông nước ngoài" giảm sở hữu từ 48,92% xuống còn 48,04%.

VNG cổ đông 9

Danh sách cổ đông VNG (Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Báo cáo thường niên 2018)

Cổ đông nước ngoài là tổ chức tại VNG gồm GS Treasure S.a.r.l (3,47%); Tenacious Bulldog Holdings Limited (22,49%); Gamvest Pte Ltd (4,96%) và Prosperous Prince Enterprises Limited (7,58%) và Seletar Investments Pte Ltd (4,93%).

Đáng chú ý Tenacious Bulldog Holdings Limited và Prosperous Prince Enterprises Limited cùng có địa chỉ đăng ký tại P.O. Box 957, Offshore Incorporations Centre, Road Town, Tortola, thuộc "thiên đường thuế" British Virgin Islands.

Cái tên Tenacious cũng khiến nhà đầu tư gợi nhớ đến Tencent, khi năm 2008 Tập đoàn này đã đề cập việc mua 20,2% vốn của một công ty internet tại Việt Nam và đây là công ty duy nhất tại Việt Nam mà công ty đầu tư.

Cùng năm đó, cựu Giám đốc M&A của Tencent chính là ông Shen Hao đã chuyển sang phụ trách tài chính tại VNG. Ông Shen Hao hiện vẫn giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tài chính của VNG và sở hữu 0,13% vốn cổ phần.

Tencent được cho là đầu tư vào VNG từ năm 2010 nhưng cả 2 bên đều chưa một lần chính thức xác nhận công khai thông tin này, dù ông Martin Lau - Chủ tịch của Tencent đã tham gia Hội đồng quản trị của VNG từ lâu. 

Theo báo cáo mới nhất của VNG, danh sách thành viên HĐQT VNG có 5 thành viên bao gồm Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch HĐQT; các thành viên HĐQT còn lại ngoài ông Martin Lau là ông Vương Quang Khải, ông Vũ Việt Sơn và ông Bryan Fredric Pelz.

Báo cáo của VNG cũng cho thấy khoản chi phí bản quyền thanh toán với "bên liên quan" là  85 tỉ đồng Tencent Holdings Limited trong 6 tháng đầu năm nay. Con số này cao hơn nhiều so với con số 1,5 tỉ đồng cùng kì năm trước.

Trở lại cơ cấu cổ đông của VNG, hai tổ chức khác nắm giữ cổ phần là GS Treasure S.a.r.l có địa chỉ tại 2 rue du FosseL1536, Luxembourg là đơn vị thuộc Goldman Sachs; trong khi Gamvest Pte Ltd có địa chỉ tại 168 Robinson Road #37-01 Capital Tower Singapore 068912, Singapore, là đơn vị trực thuộc quĩ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore.

Cổ đông tổ chức nước ngoài còn lại là Seletar Investments với tỉ lệ 4,93%. Quĩ đầu tư này mới rót vốn vào VNG từ cuối năm 2018. Theo Viettimes, các thông tin về quĩ này cho thấy có nhiều mối liên hệ với Temasek Holdings (tập đoàn quản lý tài sản vốn nhà nước của Chính phủ Singapore).

Bên cạnh đó, hai cổ đông cá nhân nước ngoài của VND còn có bà (Julie Thien Nga Lam, địa chỉ tại 74 Revlis, Crescent, ScarboroughOntario, Canada) đang nắm giữ 1,43% vốn điều lệ và ông Liu C Christopher nắm giữ 0,05%.

Bà Julie Thien Nga Lam là vợ của ông Don Di Lam, người đồng sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành tập đoàn quản lý quỹ VinaCapital.

Ngoài ra, thông tin về sở hữu của các nhà đầu tư trong nước không được công bố trong thay đổi đăng kí kinh doanh của VNG. Theo thông tin trong báo cáo thường niên năm 2018, ngoài ông Vương Quang Khải và ông Shen Hao, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Hồng Minh đang nắm giữ 14,94% vốn cổ phần của doanh nghiệp này.

Nước ngoài đã nắm 66,94% quyền biểu quyết tại VNG

Trở lại với tình hình sở hữu vốn tại VNG, theo bản thay đổi đăng kí kinh doanh của VNG ra ngày 9/9 vừa qua, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài là 48,04%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể cao hơn con số VNG công bố.

Với việc công ty đang giữ gần 10 triệu cổ phiếu quĩ, chiếm tỉ lệ 28,24% trên tổng số 35,3 triệu cổ phiếu phổ thông của VNG thì xem ra tỷ lệ biểu quyết của nhóm cổ đông nước ngoài đã vượt qua ngưỡng 50%.

Theo đó, nếu loại trừ số cổ phiếu có quyền biểu quyết được công ty VNG mua lại làm cổ phiếu quỹ, tỉ lệ biểu quyết dựa trên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của cổ đông nước ngoài đã chiếm 66,95% quyền biểu quyết tại VNG.

Báo cáo kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay, ông chủ Zalo, Zing đạt hơn 2.500 tỉ đồng doanh thu, riêng doanh thu từ hoạt động trò chơi chiếm hơn 2.000 tỉ đồng và 413 tỉ đồng thu từ hoạt động quảng cáo trực tuyến. Sau khi trừ các chi phí, VNG đạt 315 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 30% so với cùng kì.

Tính đến ngày 30/6, VNG có tổng tài sản 5.764 tỉ đồng, tăng gần 900 tỉ đồng so với hồi đầu năm, riêng lượng tiền mặt và tiền gửi tại các ngân hàng đã vượt hơn 3.000 tỉ đồng. 



Sơn Tùng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.