|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Nguyễn Đình Cung: Chúng ta ngồi trên đống tiền mà cứ lo không có tiền đầu tư

16:00 | 02/07/2017
Chia sẻ
Dư địa tăng trưởng của nền kinh tế tới đây rộng hay hẹp, tới hạn hay mở ra hướng mới đang nằm trong các hành động cụ thể thực hiện 3 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XII. Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường tiếp tục được các chuyên gia kinh tế cho là điểm then chốt.

Những con số biết nói

“Chúng ta đang ngồi trên một đống tiền mà cứ lo không có tiền cho đầu tư phát triển. Tôi có cơ sở để nói điều này”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dường như muốn chạm vào điểm nhạy cảm nhất của nền kinh tế vào thời điểm này, khi yêu cầu tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng tưởng kinh tế đang được Chính phủ đặt hàng.

Đống tiền trong tính toán của ông Cung, không chỉ nằm trong dân như khá nhiều nghiên cứu vẫn hay nhắc tới. “Tôi muốn nói đến khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Khu vực này đang nắm giữ nguồn lực cũng như dư địa cải cách để tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh tại Hội thảo Tổ chức thực hiện cơ cấu lại DNNN hiệu quả và thực chất do CIEM tổ chức.

ong nguyen dinh cung chung ta ngoi tren dong tien ma cu lo khong co tien dau tu

Công nhân xưởng may sơ mi của Tổng công ty cổ phần May 10. Ảnh: Đức Thanh

Cụ thể, soi vào Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020 (đã được ban hành theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg), chỉ cần thực hiện đúng tiến độ, với nguyên tắc là tối thiểu hóa tỷ lệ vốn nhà nước giữ lại trong doanh nghiệp, thì giá trị sổ sách phần vốn nhà nước thu hồi từ hoạt động này có thể đạt trên 296.000 tỷ đồng (xem bảng).

Cùng với đó, nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại các công ty đại chúng đang niêm yết và trong kế hoạch niêm yết đang được các chuyên gia dự tính có thể đạt tới 15% GDP trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

“Nếu cổ phần hóa còn đôi chút ‘ngần ngừ’ do lo ngại bán không đúng giá, chậm trễ trong định giá, thì thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang niêm yết có thể làm ngay và chắc chắn sẽ đúng theo giá trị trường. Sẽ cần một vài thao tác kỹ thuật và nghệ thuật bán hàng để tối đa hóa giá trị mà không ảnh hưởng đến thị trường, nhưng việc này chuyên gia xử lý được”, ông Cung khẳng định.

Nhưng trước khi các chuyên gia tài chính - chứng khoán ra tay, khoảng 813 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết sẽ phải... lên sàn. Trong số này, 738 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, 45 doanh nghiệp chưa đủ diều kiện và 30 doanh nghiệp đủ điều kiện, nhưng chưa niêm yết.

Không chấp nhận biện minh

Phải nói ngay, việc sử dụng và phân bổ “đống tiền” trên thế nào, nhanh hay chậm, có tạo tăng trưởng cho nền kinh tế hay không hoàn toàn nằm trong sự chủ động của Nhà nước. “Vấn đề ở đây là ai làm và làm thế nào”, ông Lê Xuân Bá, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề và nhắc tới các nghị quyết vừa được Hội nghị Trung ương ban hành với nhiều hàm ý. Ông không giấu lo ngại về khoảng cách giữa nghị quyết và thực thi.

Lo ngại đó không phải không có căn cứ. Đánh giá bức tranh tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015, mặc dù số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 93% kế hoạch, nhưng chất lượng tái cơ cấu DNNN được cho là thấp, nhiều mục tiêu không đạt được. Vốn nhà nước trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa chiếm 81%; nhà đầu tư bên ngoài mới góp được 9,5%; nhà đầu tư chiến lược góp 7,3%...

Đặc biệt, kết thúc kế hoạch tái cơ cấu DNNN 2011-2015, có đến 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, lỗ lũy kế, gặp nhiều rủi ro dẫn tới không tự chủ được về mặt tài chính. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, số lỗ phát sinh là 280 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 9.672 tỷ đồng… Năm 2015, có 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu… Trong khi đó, rất ít DNNN thực hiện theo hình thức phá sản. Cả giai đoạn 2011-2015 mới thực hiện phá sản 8 doanh nghiệp.

Ngay trong thực hiện kế hoạch cổ phần hóa năm 2016, chỉ có 3 doanh nghiệp thuộc danh sách mới, còn lại từ giai đoạn trước chuyển sang. “Ở đây có vấn đề về kỷ luật thực thi hành chính. Các quyết định đều ghi rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, nhưng khi không đạt được, không thấy ai bị làm sao”, ông Cung bức xúc.

Thậm chí, việc chuyển giao DNNN của các bộ, ngành về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được đưa ra từ năm 2006 đến giờ vẫn không hoàn thành.

Chia sẻ các lo ngại trong thực thi, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) – tác giả chính của nghiên cứu về Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 cho rằng, có những cuộc cải cách cần sự áp đặt từ trên xuống. “Chính phủ trong vai chủ sở hữu là người quyết định và áp đặt kỷ luật thực thi. Sẽ cần bước chuyển bằng văn bản hành chính, như chuyển giao DNNN về SCIC, nhưng tác động sẽ rất mạnh khi tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý DNNN”, ông Trung nói.

Nghĩa là, Nhà nước phải thay đổi trước, phải áp đặt kỷ luật trong khu vực của mình để rộng đường cho thị trường vận hành được theo đúng quy luật.

Điểm quan trọng nhất mà các chuyên gia nói đến vào thời điểm này, đó là các giải pháp để hiện thực hóa các khoản tính đếm này đã có, thậm chí là khả thi nhất từ trước tới nay.

Đó là các quan điểm rất cải cách về kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước, về vị trí của DNNN và khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế của 3 nghị quyết trung ương 5, khóa XII. Riêng với tiến trình cải cách DNNN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là lý do mà các chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ không chấp nhận sự biện minh nào về những chậm trễ tới đây trong tái cơ cấu DNNN.

Bảo Duy

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.