|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông chủ Nhật Cường Mobile bị truy nã đỏ, thế nào là truy nã đỏ?

13:45 | 19/09/2019
Chia sẻ
Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi tổng thư ký Interpol. Khi có truy nã đỏ, tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm đều được gửi tới các cán bộ biên phòng, cửa khẩu, hải quan của hơn 190 quốc gia thành viên Interpol.
 - Ảnh 1.

Công an khám xét cửa hàng Nhật Cường, số 33 Lý Quốc Sư (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Sáng 18-9, tại buổi họp báo thông tin về Hội nghị Hiệp hội tư lệnh cảnh sát các nước Asean (Aseanapol) diễn ra tại Hà Nội, trung trướng Trần Văn Vệ - chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - cho biết ông chủ Nhật Cường Mobile bị Interpol đưa vào truy nã đỏ.

Cũng theo ông Vệ, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy về tội "buôn lậu và trốn thuế", Huy đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

"Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế, đề nghị Interpol truy nã và được Interpol đưa Huy vào truy nã đỏ. Việt Nam cũng đã có đề nghị các nước Asean phối hợp để truy nã, nếu bắt được sẽ trao trả về Việt Nam" - ông Vệ nói.

Ông Vệ cho biết các kiến nghị cụ thể của Việt Nam thường sẽ kiến nghị song phương, ví dụ Việt Nam kiến nghị với Lào về các vụ án ma túy thì sẽ có hội nghị riêng giữa hai nước, hay Singapore sau khi tổ chức Hội nghị Aseanapol sẽ bàn về việc liên quan đến việc rửa tiền của vụ án Phan Sào Nam và Phan Văn Anh Vũ ở Singapore (đang quản lý số tiền liên quan đến vụ án). Khi đó, Việt Nam sẽ có đề nghị riêng với Singapore.

 - Ảnh 2.

Bị can Bùi Quang Huy - Ảnh: CACC

Theo giải thích của một lãnh đạo cơ quan điều tra thì truy nã đỏ là một yêu cầu thực thi pháp luật có phạm vi trên toàn thế giới nhằm xác định vị trí và bắt giữ một người phạm tội để dẫn độ. Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã của Interpol.

Lệnh truy nã đỏ được ban hành bởi tổng thư ký Interpol theo yêu cầu của các quốc gia thành viên hoặc một tòa án quốc tế dựa trên một lệnh bắt giữ quốc gia hợp lệ.

Khi có truy nã đỏ, tất cả thông tin về tội phạm và nghi phạm đều được gửi tới các cán bộ biên phòng, cửa khẩu, hải quan của hơn 190 quốc gia thành viên Interpol để kiểm soát việc di chuyển của đối tượng bị truy nã.

Trước đó, ngày 9-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Công ty Nhật Cường tại Hà Nội, thu giữ hàng ngàn điện thoại di động, iPad, phụ kiện các loại... để phục vụ điều tra.

Sau đó, cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Bùi Quang Huy cùng 8 đồng phạm về tội "buôn lậu", quy định tại khoản 4 điều 188 Bộ luật hình sự và tội "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3 điều 221 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Huy đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Ngày 18-5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông chủ Nhật Cường Mobile này.

Tội phạm xuyên quốc gia phức tạp, khó lường

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Aseanapol lần thứ 39 diễn ra sáng 18-9, đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - nêu rõ: "Khu vực Asean đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề an ninh, trật tự. Diễn biến của tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực nói chung và từng nước thành viên nói riêng vẫn rất phức tạp, chứa đựng nhiều yếu tố khó lường".

C.Tuệ - Th.Hoàng