Ôm 2,27 nghìn tỷ USD tài sản ngoại tệ, ngành ngân hàng Nhật Bản đang 'phơi mình' chờ khủng hoảng?
Tổng mức nắm giữ ròng tài sản bằng đồng USD của ngân hàng Nhật đã tăng gấp đôi lên khoảng 1 nghìn tỷ USD kể từ trước cú sốc Lehman năm 2008, theo số liệu công bố tuần này của ngân hàng thanh toán quốc tế BIS.
Số tiền này là chênh lệch giữa tài sản đồng USD, trị giá khoảng 3,5 nghìn tỷ, và nợ đồng USD, khoảng 2,5 nghìn tỷ. Lượng nắm giữ ròng có thể lớn hơn nếu tính cả các tài sản bằng các loại tiền tệ khác như đồng Euro. Theo Ngân hàng trung ương Nhật BOJ, tài sản ròng ngoại tệ của các ngân hàng nước này tính đến cuối tháng 3 lên tới 2,27 nghìn tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.
Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản, tài sản ròng ngoại tệ của các ngân hàng nước này tính đến cuối tháng 3 là mức cao nhất từ trước tới nay
Nhu cầu về tài sản nước ngoài tăng lên do lãi suất ở Nhật cực thấp, buộc các ngân hàng phải tìm kiếm những tài sản rủi ro cao hơn nhưng lợi tức cũng cao hơn ở nước ngoài, BOJ cho biết.
Đặc biệt, các ngân hàng nhỏ phục vụ nền kinh tế nông thôn chậm chạp có vẻ phụ thuộc vào trái phiếu nước ngoài để kiếm thu nhập. Ví dụ, Ngân hàng Hokuetsu tăng lượng mua trái phiếu nước ngoài lên 46% trong năm đến tháng 3/2016, một phần do BOJ đưa ra lãi suất âm trong suốt khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, trong 12 tháng sau đó, Hokuetsu có hướng đi hoàn toàn ngược lại, giảm 31% lượng mua trái phiếu nước ngoài trong bối cảnh khả năng sinh lợi giảm sút.
Các ngân hàng Nhật Bản không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay bán lẻ nên phải vay USD trên cơ sở ngắn hạn, chẳng hạn như thông qua hoán đổi tiền tệ, để thanh toán cho khoản đầu tư của mình. Sự phụ thuộc vào việc cấp vốn USD ngắn hạn làm tăng rủi ro tái đầu tư. Đảm bảo ngân sách bằng đồng tiền này có thể trở nên khó khăn nếu một cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra trên thị trường như năm 2008.
Tăng trưởng mức nắm giữ ròng tài sản nước ngoài của các ngân hàng Nhật
Trong cuộc khủng hoảng Lehman, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed phải cung cấp khoản vay khẩn cho các ngân hàng châu Âu để giúp giảm bớt khó khăn về tài chính. Sự trợ giúp này có thể sẽ không xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, BIS cảnh báo.
Hiện nay, các ngân hàng nước ngoài thường vay USD từ bên ngoài Mỹ, chẳng hạn như từ các quốc gia xuất khẩu dầu. Fed không có khả năng hỗ trợ cho các giao dịch này.
Để giảm rủi ro về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong tương lai, các nhà chức trách nên tăng cường giám sát đối với các ngân hàng, kể cả thông qua các bài kiểm tra căng thẳng để đánh giá mức độ phụ thuộc của ngành này vào các giao dịch hoán đổi tiền tệ, BIS cho biết.