|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ô nhiễm bụi mịn tăng cao ở Hà Nội do nhiều nơi đốt rơm rạ

08:11 | 08/06/2019
Chia sẻ
Chất lượng không khí nhiều nơi tại Hà Nội những ngày qua liên tục ở ngưỡng xấu vào thời điểm chiều tối, ô nhiễm bụi mịn tăng cao, trong đó nguyên nhân được xác định do đốt rơm rạ sau thu hoạch ở các vùng ven Hà Nội.
Ô nhiễm bụi mịn tăng cao ở Hà Nội do nhiều nơi đốt rơm rạ - Ảnh 1.

Người dân vẫn vô tư đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa (ảnh chụp tại cánh đồng xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

TS Hoàng Dương Tùng - chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - cho rằng ngoài việc gây ra khói mù, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, việc đốt rơm rạ còn tạo ra lượng lớn bụi mịn PM2.5, trong khi bụi mịn vốn được coi là "sát thủ" trong không khí.

Theo ông Tùng, qua số liệu quan trắc, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội đang có xu hướng tăng cao vào thời điểm tối muộn.

Thông thường, chất lượng không khí diễn biến xấu hơn, ô nhiễm không khí gia tăng vào các giờ cao điểm khi mật độ phương tiện giao thông hoạt động gia tăng, hoặc ở những nơi có nhiều công trình xây dựng gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, liên tiếp những ngày gần đây, từ thời điểm 23h kéo dài 2-3 tiếng sau đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội có xu hướng tăng cao bất thường.

Nguyên nhân gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội vào thời điểm đêm khuya là do nguồn phát thải từ đốt rơm rạ sau thu hoạch ở các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận.

"Mấy ngày qua, tại các huyện ngoại thành của Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam... đều có hiện tượng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Thời điểm đốt rơm rạ thường diễn ra lúc chập tối, vì thế qua số liệu quan trắc thấy rõ nồng độ PM2.5 tăng rất cao ở những nơi đó chỉ sau 1-2 tiếng.

Còn sau 3-4 tiếng, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nội thành Hà Nội tăng cao rõ rệt, bắt đầu từ khoảng 23h đêm và kéo dài 2-3 tiếng tiếp theo rồi mới hạ dần" - ông Tùng phân tích.

Cụ thể, tại thời điểm 18h tối 5-6, hiện tượng đốt rơm rạ ở Ba Vì (Hà Nội), Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã khiến chất lượng không khí ở những nơi này xấu đi thấy rõ qua quan trắc.

"Bụi PM­2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người, được ví như sát thủ nguy hiểm nhất trong không khí bởi khả năng len lỏi sâu vào các cơ quan trong cơ thể, gây ra hàng loạt căn bệnh về hô hấp, tim mạch", TS Hoàng Dương Tùng cho biết.

Ô nhiễm bụi mịn tăng cao ở Hà Nội do nhiều nơi đốt rơm rạ - Ảnh 3.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, chỉ sau 1-2 tiếng đốt rơm rạ, nồng độ bụi mịn PM2.5 sẽ tăng cao, trong khi bụi mịn được coi là "sát thủ thầm lặng" trong không khí bởi khả năng len lỏi vào sâu trong cơ thể con người - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Tương tự, chất lượng không khí tại hai điểm đo ngoại thành là Minh Trí (Sóc Sơn) và Phú Đông (Ba Vì) thường xuyên ở mức kém, thậm chí nhiều thời điểm cao hơn cả khu vực nội ô - vốn là vùng ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.

Theo các chuyên gia môi trường, việc đốt rơm rạ ngoài trời đã phát thải các chất khí bụi CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết còn có thể tạo ra aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đốt rơm rạ, hàm lượng bụi PM2.5 tăng đột biến trong không khí, trong đó lượng bụi mịn không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ mà còn theo gió phát tán ra một vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí, nhất là khu vực đô thị.

Vì vậy, ông Tùng khuyến cáo các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, có chỉ đạo kịp thời đến từng huyện, xã, phường và có những cảnh báo, vận động người dân dừng các hoạt động đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa, tránh những nguy hại tới sức khỏe cộng đồng.

Xuân Long