“Nóng” M&A doanh nghiệp ngành gỗ
Xưởng sản xuất Đồ Gỗ Khánh Chung, TP HCM. Ảnh: K.C. |
Tuy nhiên, “dục tốc bất đạt”, việc quá nôn nóng có thể dẫn doanh nghiệp đi quá xa với lĩnh vực kinh doanh chính của mình.
Nhiều tiềm năng
Theo thống kê số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, hiện nay nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng. Ước tính, doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Rõ ràng, đây là một thị trường không nhỏ để các DN trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế và khó khăn về mặt nguồn lực vốn, lao động, kiến thức quản trị và tài chính. Hơn nữa, hầu hết các DN hiện có quy mô vừa và nhỏ, khó thực hiện được các hợp đồng lớn của nước ngoài nên chủ yếu vẫn chỉ là gia công, chưa xây dựng được thương hiệu cho mình, sản phẩm vẫn chủ yếu được bán qua các khâu gian, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Trước tình hình đó, nhiều DN đã lựa chọn phương án đầu tư vốn để mở rộng quy mô và sản xuất thông qua M&A. DN trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công của VTV1 đưa lên sóng với chủ đề “Mua bán và sáp nhập – Đa dạng hay tập trung” vào lúc 10h ngày Chủ nhật, 11/12/2016 là một ví dụ.
Mở rộng cách nào?
Theo đó, chương trình đề cập đến câu chuyện của một DN sản xuất đồ gỗ truyền thống và có bề dày kinh nghiệm, tương đối thành công trong thời gian qua và đặt mục tiêu phát triển nhanh, chớp lấy cơ hội để mở rộng và phát triển nhằm nắm bắt cơ hội khi TPP và các hiệp định thương mại khác có hiệu lực chính thức.
Cụ thể là phải mở rộng quy mô thông qua các hoạt động M&A. Trước tình hình đó, CEO và các cổ đông đã bàn bạc phương án thực thi các giải pháp. CEO cho rằng: “DN nên phát triển theo hướng mua lại Cty phân phối đang sở hữu gần 20 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty này có tiềm năng và hoạt động đã lâu trên thị trường, nhưng đang lúng túng trong việc cải tổ để thoát khỏi mô hình gia đình. Làm như vậy thì doanh nghiệp sẽ có mạng lưới phân phối khá rộng với chi phí thấp, mang lại lợi nhuận lớn”.
Tuy nhiên, các cổ đông lại cho rằng: “Doanh nghiệp hiện tại chỉ chuyên về sản xuất mà không am hiểu về phân phối. Nếu làm theo ý kiến của CEO sẽ gặp rủi ro và thất bại. Doanh nghiệp nên phát triển theo hướng mở rộng quy mô bằng cách mua lại các công ty lĩnh vực sản xuất, sẽ tận dụng được ưu thế của mình và kinh nghiệm quản lý công ty mới”.
Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của không ít khán giả fanpage chương trình, tiêu biểu là bạn Thanh Hương: “Đừng đứng núi này trông núi nọ, sẽ rủi ro và có thể đánh mất những gi mình đang có. Doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình, với nguồn lực và kinh nghiệm vốn có, chắc chắn DN sẽ thành công hơn”.
Trái lại, có một số ý kiến lại đồng tình với quan điểm của CEO, đại diện là bạn Bích Loan: “Mua được doanh nghiệp vừa có tiềm năng lại mất chi phí thấp, mang lại lợi nhuận tốt thì đó là cơ hội hiếm có, phải tranh thủ tận dụng. Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm sản xuất rồi, giờ mở rộng thêm phân phối thì mới lớn mạnh được chứ!”. Những ý kiến đa chiều này luôn làm cho fanpage tạo được sự quan tâm đông đảo của cộng đồng xã hội.