|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nỗi sợ tháng 'cô hồn' có đến với chứng khoán Việt Nam?

12:21 | 19/08/2020
Chia sẻ
Thống kê trong 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong tháng 7 âm lịch. Bỏ qua các thống kê lịch sử, thị trường đang phải đối mặt với các thách thức như khối ngoại rút ròng, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và khoảng trống thông tin.

Thị trường giảm 6/10 năm trong giai đoạn 2010 - 2019

Theo văn hóa Á Đông tại một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng "cô hồn". Theo quan niệm dân gian thì đây là khoảng thời gian mà các hoạt động kinh doanh, buôn bán… nhìn chung không thuận lợi. Do đó, giới kinh doanh thường có xu hướng hạn chế các hoạt động giao dịch đầu tư trong thời gian này. 

Đối với nhà đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư có xu hướng đi ngược với những lo ngại về tháng cô hồn. Tuy nhiên, nếu nhìn trong giai đoạn dài hơn (khoảng 10 năm) thì những lo ngại về việc giảm điểm trong tháng 7 âm lịch lại có cơ sở. Dưới đây là thống kê diễn biến chỉ số thị trường trong tháng "cô hồn" giai đoạn 10 năm trở lại đây.

Tháng 'cô hồn' kém may của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Dữ liệu thống kê cho thấy sự khác biệt về xu hướng của thị trường trong tháng 7 âm lịch theo từng giai đoạn. Nếu chỉ tính riêng trong 5 năm 2015 - 2019, TTCK Việt Nam diễn biến khởi sắc trong tháng "cô hồn". Tuy nhiên, nếu nhìn trong giai đoạn dài hơn (2010 - 2019), xu hướng giảm lại chiếm ưu thế. 

Thống kê VN-Index năm 2010 - 2019, chỉ số này giảm điểm trong 6/10 năm với mức giảm bình quân là 0,22%. Tháng 7 âm lịch năm 2014, VN-Index ghi nhận mức tăng cao nhất với 6,18% và giảm mạnh nhất 7,98% trong năm 2012. Năm ngoái VN-Index giảm 1,88% trong tháng 7 Âm lịch, chấm dứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp.

Với VN30-Index, giai đoạn 2012 - 2019 ghi nhận sự cân bằng với số tháng tăng và giảm tương đương. Tuy nhiên, mức giảm bình quân trong tháng 7 âm lịch trên giai đoạn của chỉ số là 0,15%. VN30-Index tăng mạnh nhất vào tháng "cô hồn" năm 2017 với 7,08%, năm 2012 VN30-Index ghi nhận mức giảm lên đến 10,02%.

Tương tự VN-Index, sàn HNX cũng ghi nhận 6/10 năm giảm điểm trong tháng "cô hồn" giai đoạn 2012 - 2019. Tỉ lệ giảm bình quân của chỉ số này trên toàn giai đoạn là 0,62%. Năm 2019, HNX-Index giảm 1,87%, trong khi tăng điểm trong 3 năm liền trước đó.

Diễn biến trái chiều với hai sàn, UPCoM-Index ghi nhận số năm tăng và giảm tương đương trong tháng 7 âm lịch. Đáng chú ý, tỉ lệ tăng điểm bình quân của chỉ số này trên cả giai đoạn là 0,75%. Năm 2014 đánh dấu tỉ lệ tăng mạnh nhất của UPCoM-Index với 6,2%.

Trong năm 2019, UPCoM-Index giảm 1,6%, ghi nhận hai năm giảm điểm liên tiếp của thị trường này trong tháng "cô hồn".

Thị trường trong giai đoạn "khoảng trống thông tin hỗ trợ"

Thống kê trên cho thấy rằng xu hướng tăng giảm của thị trường trong tháng "cô hồn" thay đổi theo từng thời kì. Giới đầu tư đã lạc quan hơn vào tháng 7 âm lịch trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Nhưng nhìn xa hơn thì xu hướng giảm điểm lại chiếm ưu thế.

Gần đây nhất, thị trường quay đầu giảm điểm trong tháng "cô hồn". Do đó, có thể nói rằng dữ liệu thống kê quá khứ chỉ mang tính chất tham khảo, đưa ra góc nhìn thú vị hơn với giới đầu tư. Yếu tố cốt lõi vẫn là xu hướng hiện tại của thị trường.

Tháng 'cô hồn' kém may của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2.

VN-Index đang tiến sát vùng cản ngắn hạn. Nguồn: TradingView

Trên góc nhìn kĩ thuật, VN-Index đang tiến vào vùng cản và chỉ số đã hai lần không vượt qua vùng kháng cự ngắn hạn 870 - 880 điểm. Trong những phiên giao dịch gần đây, VN-Index lình xình quanh mốc 850 điểm. 

Giai đoạn VN-Index gặp khó trước vùng cản, nhà đầu tư nước ngoại lại gia tăng bán ròng, gây áp lực giảm điểm lên thị trường. Từ đầu tháng 8 đến ngày 18/8, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 1.469 tỉ đồng với khối lượng gần 56 triệu đơn vị, trong đó giá trị bán ròng cổ phiếu là 1.340 tỉ đồng.

Nói về xu hướng của dòng tiền, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Đầu tư PVIAM dòng tiền mới không vào nhiều trong tháng 8, thường vào nhiều trong tháng 4 và 5. Khi giá lên không thích thích người mới vào. Thời điểm hiện tại, khó có tiền mới vào thị trường do nhưng người đầu tư đã mua và mặt bằng giá cao. Kì vọng về dòng tiền mứi khi quĩ được thành lập, hoạt động chuyên nghiệp để hút tiền từ người gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường trong giai đoạn này là động thái mua ròng của khối tự doanh CTCK. Đây là lực cầu đối ứng của thị trường trong gia đoạn này.

Trên một góc độ khác, đây cũng là giai đoạn thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ khi hầu hết các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Từ khía cạnh vĩ mô, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức mới khi dịch COVID-19 tái bùng phát và lan ra một số tỉnh thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, Hải Dương. Theo Chứng khoán BSC, việc tái bùng phát dịch COVID-19 có thể ảnh hướng đến chỉ số do yếu tố tâm lí dịch bệnh chưa thể kiểm soát, biến động khó lường của các thị trường thế giới khi trở lại vùng trước dịch.

Chứng khoán BSC khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỉ lệ cổ phiếu xuống mức an toàn, hạn chế dùng đòn bẩy. Ngoài ra, NĐT hạn chế giao dịch tần suất lớn. Với những NĐT am hiểu có thể sử dụng hợp đồng tương lai để cân bằng danh mục phòng ngừa rủi ro với danh mục hiện hữu hoặc kiếm lời khi thị trường giảm.

Lợi Hoàng