|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu và chi phí vốn: Hai yếu tố làm giảm lợi nhuận MB

09:00 | 16/06/2020
Chia sẻ
Theo VCBS, nợ xấu tăng lên là vấn đề đáng quan tâm trong các kì báo cáo sắp tới đối với MB. Đồng thời, sự sụt giảm nhanh chóng của tiền gửi không kì hạn cũng sẽ gây áp lực lên chi phí vốn của ngân hàng này.
Nợ xấu và chi phí vốn: Hai gọng kìm ép giảm lợi nhuận MB - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: MB)

Quí I/2020, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) đạt 2.195 tỉ đồng, giảm 9,4% so với cùng kì năm ngoái. Chi phí trích lập dự phòng lên tới 2.092 tỉ đồng (tăng tới 117%) là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận suy giảm.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong bối cảnh rủi ro nợ xấu tiềm ẩn do tác động của dịch bệnh, những thận trọng trong việc trích lập dự phòng của MB là hợp lí. Tuy nhiên, nợ xấu tăng lên là vấn đề đáng quan tâm trong các kì báo cáo sắp tới đối với MB nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

VCBS cho rằng tỉ lệ nợ xấu báo cáo có thể chưa phản ánh đầy đủ rủi ro có thể phát sinh bởi theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, các khoản nợ xấu thuộc những khách hàng có doanh thu và thu nhập giảm do tác động của dịch COVID-19 và thời hạn trả nợ gốc hoặc lãi từ ngày 23/01 đến tối đa 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch sẽ được tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ với thời hạn tối đa 12 tháng. Do đó, tỉ lệ nợ xấu thực chất của MB sẽ cao hơn mức công bố ở báo cáo tài chính quí I/2020.

Tuy nhiên theo đánh giá của VCBS, chất lượng tài sản của MB tốt hơn trung bình ngành và MB đã bắt đầu quá trình trích lập nợ xấu ngay trong quí I/2020. 

"Chúng tôi đánh giá cao những thận trọng từ phía ngân hàng và MB có thể là một trong những ngân hàng có quá trình xử lí nợ xấu nhanh nhất sau dịch bệnh", nhóm phân tích của VCBS nhận định.

Nợ xấu và chi phí vốn: Hai gọng kìm ép giảm lợi nhuận MB - Ảnh 2.

Cùng với áp lực nợ xấu, MB cũng đang phải đối mặt với rủi ro liên quan đến chi phí vốn. Theo VCBS, tiền gửi không kì hạn trong danh mục huy động khách hàng (CASA) vốn là lợi thế lớn nhất của MB trong nhiều năm qua khi ngân hàng là thành viên của khối các doanh nghiệp quân đội. Lợi thế này giúp cho MB có chi phí vốn thuộc nhóm thấp nhất ngành.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, VCBS cho rằng các doanh nghiệp quân đội sẽ khó tối ưu hóa chi phí hơn so với các doanh nghiệp tư nhân dẫn tới nhu cầu sử dụng tiền mặt cao hơn và làm cho lượng tiền gửi không kì hạn tại MB suy giảm nhanh hơn toàn ngành. Tỉ lệ CASA suy giảm có thể rút ngắn lại khoảng cách chi phí vốn giữa MB và các ngân hàng khác.

Dù vậy, VCBS cho rằng lượng tiền gửi không kì hạn sẽ tăng trở lại trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế.

Nợ xấu và chi phí vốn: Hai gọng kìm ép giảm lợi nhuận MB - Ảnh 3.

Về mặt tích cực, VCBS kì vọng MB sẽ tiếp tục được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành trong các năm tiếp theo. Theo đó, tín dụng của MB còn dư địa tăng trưởng tốt trong dài hạn khi ngân hàng đã đáp ứng Basel II theo Thông tư 41/2016; đồng thời với hệ số an toàn vốn (CAR) năm 2019 ở mức 10,68%, MB thuộc nhóm có hệ số an toàn thuộc vùng tối ưu để cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng tín dụng và mục tiêu lợi nhuận.

Cũng theo công ty chứng khoán này, năm 2020, MB được cấp "room" tăng trưởng tín dụng 11,75%.

Bên cạnh dư địa tăng trưởng tín dụng, VCBS cũng đánh giá cao chỉ số sinh lời của MB. Theo công ty chứng khoán này, mặc dù gặp phải rủi ro gia tăng chi phí dự phòng rủi ro, các chỉ số sinh lời của MB vẫn tiếp tục duy trì khả quan và giúp cho giá trị sổ sách của ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.

Trên cơ sở dự báo trên, VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế MB trong năm 2020 có thể đạt 9.228 tỉ, giảm 8% so với năm 2019.

Dự báo này dựa trên một số giả định tăng trưởng tín dụng đạt 7,9% và tăng trưởng huy động huy động đạt 6,9%; lợi suất sinh lời của tài sản ở mức 8,4% trong khi chi phí vốn tăng nhẹ; tỉ lệ nợ xấu thới điểm cuối năm là 2,16% (tăng 1,0% so với năm 2019); tỉ lệ dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu đạt 96,5% (giảm 14% so với năm 2019).

Quốc Thụy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.