|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ NHNN phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc nợ công

11:50 | 25/05/2017
Chia sẻ
Việc quy định các khoản phát hành các công cụ nợ ngắn hạn của NHNN nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn Việt Nam và quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) về Dự án Luật quản lý nợ công được trình Quốc hội lần này, việc điều chỉnh quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ như quy định hiện hành.

no nhnn phat hanh de thuc hien chinh sach tien te khong thuoc no cong
Ảnh minh họa.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong Dự thảo luật, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, NHNN thực hiện vai trò là ngân hàng trung ương (NHTW), thực thi chính sách tiền tệ để đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán, trong đó có hoạt động phát hành các công cụ nợ (chủ yếu là các công cụ nợ ngắn hạn, dưới 12 tháng).

Bản chất của việc phát hành này là sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để điều hòa cung ứng tiền tệ. Tương tự như các công cụ khác theo quy định của Luật này gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở.

Theo thông lệ quốc tế, ở phần lớn các nước, NHTW là độc lập, thống đốc NHTW không phải là thành viên của Chính phủ. Đối với Việt Nam, bên cạnh vai trò NHTW, NHNN còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, bao gồm các nội dung quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, với vai trò quản lý nhà nước, NHNN không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ. Do đó, việc quy định các khoản phát hành các công cụ nợ ngắn hạn của NHNN nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi nợ công là phù hợp với thông lệ quốc tế, thực tiễn Việt Nam và quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010.

Đối với DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập, việc tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Ủy Ban TCNS cho rằng, nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng nên bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN. Bởi vì, đối với doanh nghiệp này Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.

Việc DNNN không trả được nợ nước ngoài có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách nhà nước (NSNN), nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế GTGT vào phạm vi nợ công. Bởi vì đây là những khoản nợ ngân sách nhà nước sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau, nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành ngân sách.

Diệp Bình

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.