|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nợ công tăng nhanh, Thủ tướng cảnh báo \"sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia\"

21:10 | 06/01/2017
Chia sẻ
Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ dẫn tới ngân sách Nhà nước luôn căng thẳng. “Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng nói.
thu tuong nen tai chinh quoc gia co the sup do neu tiep tuc chi thuong xuyen tang nhanh
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VPCP

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2017, diễn ra chiều ngày 6/1, Thủ tướng chỉ ra một số mặt mà ngành tài chính cần khắc phục.

Đó là tỉ lệ nợ công tăng nhanh, 5 năm qua, tăng trung bình 18,4%, nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dư địa chính sách tài khóa rất hạn hẹp. Cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) luôn khó khăn.

Thủ tướng chỉ ra thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Hệ quả là để có đầu tư phát triển, để có tăng trưởng, Chính phủ buộc phải đi vay. Điều này tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách. Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm NSNN luôn căng thẳng. “Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tình trạng thất thu ngân sách còn lớn, nhất là thuế khóa, mua bán hóa đơn, gian lận kê khai thuế, hoàn thuế. Thu ngân sách Trung ương đã vượt 7,8% so với dự toán, dù trước đó dự kiến hụt thu ít nhất từ 8.000 - 12.000 tỷ đồng.

Thủ tướng cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay thì cần dồn tiền làm cái gì cần thiết cho xã hội, cho phát triển. “Chi thường xuyên liên tục tăng lên thì phải hãm phanh lại dứt khoát chứ không phải dự toán rồi cứ chi”, Thủ tướng nêu rõ và quán triệt “không được trích một đồng ngân sách nào để đi biếu xén cấp trên, cấp dưới…”.

Thủ tướng cũng đánh giá cao thí điểm khoán xe công của Bộ Tài chính. Ngoài ra, người đài diện Chính phủ yêu cầu quản lý các nguồn lực khác từ trụ sở, đất đai có quy mô rất lớn nhưng chưa được định giá chính xác, sử dụng có phần tùy tiện. Đây là tâm điểm của tham nhũng, của lợi ích nhóm và cũng là điểm nghẽn tăng trưởng của nền kinh tế.

Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt; giảm và bán toàn bộ vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối theo nguyên tắc thị trường, tinh thần là “khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi, từng doanh nghiệp Nhà nước phải mạnh lên”.

"Cái mắc lớn nhất trong cổ phần hóa là lợi ích và động lực. Để có đột phá, tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính là tư lệnh, chịu trách nhiệm chính trên mặt trận này. Cần cơ chế gì để làm được, các đồng chí cứ mạnh dạn đề xuất, “cần người có người, cần chính sách có chính sách”, Thủ tướng khẳng định.

Thái Hoàng