Những tòa nhà 'ma' cao chọc trời bỏ hoang nhiều năm giữa Hà Nội
Cách đây hơn một năm, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị lên UBND thành phố Hà Nội thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư ở những dự án trên địa bàn mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện để xảy ra tình trạng bỏ hoang, chậm tiến độ.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như do bị đình chỉ thi công, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thiếu vốn… và trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án. Tình trạng các dự án hiện đang ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng nhân dân đã bỏ tiền đầu tư mua nhà tại dự án. Do đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án để các dự án được tiếp tục triển khai.
Thế nhưng hiện nay, nhiều dự án chung cư, văn phòng cho thuê vẫn nguyên hiện trạng “đắp chiếu”, chưa hẹn ngày hoàn thành.
Cụ thể, tại dự án Hattoco 110 Đường Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư Xây dựng Ba Đình (Ba Đình Land) làm chủ đầu tư với số vốn khoảng hơn 900 tỷ đồng và được khởi công từ năm 2009.
Dự án chưa xây xong phần thô sau hơn 7 năm triển khai vì "đắp chiếu" quá lâu. |
Tuy nhiên, do tình trạng khó khăn của thị trường cũng như thiếu vốn đầu tư, dự án Hattoco đã phải tạm dừng thi công một thời gian sau khi đã xây dựng đến tầng 9 trong tổng số 39 tầng cao và 2 tầng hầm. Năm 2010, khi chuyển hợp đồng góp vốn sang hợp đồng mua bán, chủ đầu tư đã bị khách hàng biểu tình phản đối do sử dụng ngoại tệ trong hợp đồng mua bán.
Khách hàng không dám đóng thêm tiền dù chủ đầu tư yêu cầu vì chưa có giấy tờ gì chứng minh là dự án sẽ hoàn thành đúng cam kết mới. |
Đầu năm 2013, chủ đầu tư chung cư Hattoco rầm rộ tuyên bố tái khởi động dự án sau một thời gian dừng thi công và tiếp tục lùi thời hạn bàn giao đến quý 1/2016. Thế nhưng, hiện dự án vẫn chưa xây dựng xong phần thô.
Theo các khách hàng mua nhà tại dự án này, hiện nay có hơn 200 khách hàng đóng tới 50% giá trị hợp đồng và khoảng 50 khách hàng đã đóng 30% giá trị căn hộ bằng hợp đồng góp vốn.
Dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) của Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng cấp phép xây dựng từ năm 2005, nhưng sau khi xây dựng được 2 tầng hầm và 11 tầng nổi và 3 tầng kỹ thuật thì chủ đầu tư tạm dừng thi công. Trong khi đó, theo thiết kế, dự án sẽ được xây dựng 17 tầng.
Dự án nằm ngay mặt phố Thái Hà nhưng cũng đã "đắp chiếu" nhiều năm nay. |
Dự án đã ngừng thi công từ lâu, nhưng hiện đang có siêu thị Minh Hoa bày bán các mặt hàng ở tầng 1 và 2 dự án.
Cùng với đó, dự án siêu thị, văn phòng 198B Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) dù được cấp phép xây dựng từ năm 2009 của Liên doanh đầu tư tài chính Hòa Bình cao 21 tầng, nhưng dự án đến nay mới xây xong phần thô và dừng thi công suốt nhiều năm qua.
Dự án văn phòng này dừng thi công gần nhiều năm nay, chưa biết bao giờ mới có thể hoàn thiện. |
Nằm ở vị trí đắc địa nên người dân ngang qua tuyến phố có dự án này không khỏi xót xa, tiếc nuối về sự lãng phí này.
Nằm ngay mặt đường nên ai ngang qua cũng cảm thấy xót xa khi dự án đã xây thô mà bỏ hoang lãng phí nhiều năm nay. |
Gần đây, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cũng đã phối hợp thanh tra các dự án không sử dụng đất trong 12 tháng và đất sử dụng sai mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép. Sở đã báo cáo đề xuất UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo, đối với các trường hợp chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện dự án theo quy định, Sở sẽ phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã nơi có dự án lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa có những lý do khách quan thì cho phép gia hạn thời gian thực hiện là 6 tháng. Còn với các dự án có vấn đề vướng mắc về quyền lợi, đề nghị người mua nhà làm việc với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc hoặc có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết.
Với những dự án đã xây thô hàng chục tầng rồi bỏ hoang “đắp chiếu” nhiều năm như trên, chưa biết Hà Nội sẽ xử lý như thế nào?