|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những sai lầm kinh tế của Pháp trong thập niên qua (Phần 1)

07:23 | 01/12/2019
Chia sẻ
Cách đây hơn 10 năm, thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có, Mỹ là nước đầu tiên rơi vào suy thoái cuối năm 2007, tiếp theo là một số nước châu Âu năm 2008.
Những sai lầm kinh tế của Pháp trong thập niên qua (Phần 1) - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo tại Paris ngày 23/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Quyết định tồi tệ nhất trong trong 10 năm qua vừa qua đối với kinh tế Pháp là "cú sốc" thuế do cựu Tổng thống Pháp François Hollande và cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thực hiện vào các năm 2012 và 2013, theo nhận định của tờ Le Figaro số ra gần đây.

Cách đây hơn 10 năm, thế giới đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có, gây ra những cú sốc kinh tế ở mọi quốc gia. Mỹ là nước đầu tiên rơi vào suy thoái cuối năm 2007, tiếp theo là một số nước châu Âu năm 2008.

Tại Pháp, GDP giảm 2,9% trong năm 2009, mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Kể từ đó, Pháp đã dần thoát khỏi nguy hiểm, nhưng cũng không tạo ra những cú nhảy vọt, kém hơn nhiều nước láng giềng. 

Thâm hụt ngân sách công vượt xa giới hạn đặt ra, tăng trưởng tụt hậu, tỷ lệ thất nghiệp cao...

Theo các nhà phân tích, những thất bại của nền kinh tế Pháp trong 10 năm qua không chỉ do tích lũy từ những cú sốc đến từ bên ngoài, mà còn do những sai lầm từ bên trong. Ông Denis Ferrand, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Rexecode, nhấn mạnh: "Không bao giờ có một sự thật sau cùng trong kinh tế học.

Những gì là một công thức tốt tại thời điểm này lại có thể không tốt ở thời điểm khác". Từ khi kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vừa qua, các đời lãnh đạo nước Pháp đã đưa ra nhiều quyết định chưa phù hợp. Một nghiên cứu của hãng tư vấn Xerfi chỉ rõ ba sai lầm: lỗi chiến lược, lỗi định hướng và lỗi thời gian.

* Sai lầm về mặt chiến lược

Chiến lược của mỗi nhà cầm quyền thông thường là chê bai những gì mà người tiền nhiệm - với màu sắc chính trị khác -  đã thực hiện, hoặc thậm chí đưa ra những quyết định ngược lại. Điều này đã đến những lựa chọn tồi tệ.

Nhà kinh tế học Nicolas Bouzou, người sáng lập hãng tư vấn Asteres, lưu ý: "Sai lầm chính trong 10 năm qua là cú sốc thuế sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012. 

Chính phủ của Tổng thống Hollande đã muốn giảm thâm hụt ngân sách một cách nhanh chóng, nhất là vì lý do chính trị, bằng cách xem xét lại nhiều biện pháp, ví dụ như làm thêm giờ".

Năm 2007, ngay khi trở thành chủ nhân Điện Élysée, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu Những người Cộng hòa đã quyết định miễn thuế cho các giờ làm thêm, cũng như miễn đóng góp vào các quỹ bảo trợ xã hội, do đó đã hoàn thành khẩu hiệu "làm việc nhiều hơn để kiếm tiền nhiều hơn".

Trong 5 năm, việc miễn thuế này đã khiến thu ngân sách nhà nước hụt 4,5 tỷ euro mỗi năm. Song biện pháp này đã mang lại lợi ích cho 9,5 triệu người lao động, với sức mua trung bình hàng năm tăng lên.

Các đảng phái cánh tả, ngược lại, đã ước tính rằng biện pháp này đã làm mất 100.000 cơ hội việc làm và không phù hợp với thời cuộc. Cựu Tổng thống Francois Hollande thuộc đảng Xã hội đã loại bỏ sự miễn thuế này ngay khi ông lên nắm quyền.

Quyết định này, kết hợp với các lần tăng thuế khác sau đó, đã góp phần làm tăng gánh nặng thuế đối với người dân. Tổng thống đương quyền Emmanuel Macron hiểu rõ điều này nên đã khôi phục lại biên pháp miễn thuế cho giờ làm thêm từ đầu năm 2019. 

Tuy nhiên, sự bất mãn về đời sống ngày càng khó khăn đã lớn đến mức biện pháp trên không còn là ưu tiên trong các đòi hỏi của người Pháp hiện nay.

Ông Denis Ferrand, Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Rexecode, chỉ ra một sai lầm chiến lược khác: chỉ thúc đẩy chính sách kinh tế bằng cách suy luận bình quân, trong khi sự khác biệt về kinh tế-xã hội và lãnh thổ rất quan trọng.

"Càng ở xa thành phố, người dân càng ít khả năng tạo thu nhập, và đó là điều mà chính sách kinh tế đã không cập nhật", ông Denis Ferrand nhấn mạnh. Đây là một thách thức mới đối với các nhà lãnh đạo đất nước, khi phải tính đến việc điều hòa sự chênh lệch do các cú sốc kinh tế gây ra trong thập qua.

Chính lý do này đã khiến Tổng thống Emmanuel Macron quyết định vào đầu nhiệm kỳ không tiếp tục điều chỉnh trợ cấp hưu trí theo mức lạm phát nữa, do mức sống của người về hưu thông thường cao hơn người đang đi làm. 

Tuy nhiên, làn sóng phản đối dâng cao trong xã hội vào đầu năm 2019 đã khiến Tổng thống thay đổi quyết định trên đối với người nghỉ hưu có trợ cấp dưới 2.000 euro/tháng.

Linh Hương