Những quy hoạch nổi bật được phê duyệt đầu tiên sau khi có quy hoạch tổng thể quốc gia
Hồi đầu năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở để các đơn vị liên quan tiến hành lập các quy hoạch cấp dưới như: Quy hoạch tỉnh; quy hoạch vùng; quy hoạch ngành... Đây cũng là lần đầu tiên nước ta lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Sau khi có Quy hoạch tổng thể quốc gia, đã có nhiều quy hoạch cấp dưới quan trọng được phê duyệt, trong đó có: 53/63 quy hoạch tỉnh; vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc...
Quy hoạch tổng thể quốc gia
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt vào ngày ngày 9/1, phạm vi ranh giới quy hoạch sẽ bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời Việt Nam.
Theo quy hoạch này, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về kinh tế, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.
Phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía bắc và phía nam gắn với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và TP HCM, hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Biên Hoà - Vũng Tàu.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; dự kiến từ 3 - 5 đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững và gắn với đô thị hoá; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 90%, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, bao gồm các trục giao thông Bắc - Nam (cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số đoạn của đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía tây, đường ven biển), các trục giao thông Đông - Tây quan trọng, dự kiến có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc; các cảng biển cửa ngõ có chức năng trung chuyển quốc tế, các cảng hàng không quốc tế lớn, các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển lớn, đường sắt đô thị.
Dự kiến xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam; phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm thiểu chi phí logistics.
Quy hoạch cũng sẽ tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội; xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Một số các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2030); cao tốc Bắc - Nam phía Tây (2031 - 2050); cao tốc Đông - Tây (giai đoạn 2021 - 2030); sân bay quốc tế Long Thành (giai đoạn 2021 - 2050).
Đường vành đai vùng Thủ Đô Hà Nội, vành đai TP HCM (giai đoạn 2021 - 2030); đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (giai đoạn 2021 - 2050); đường sắt đô thị Hà Nội, đường sắt đô thị TP HCM (giai đoạn 2021 - 2050); các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế (giai đoạn 2021 - 2050).
Duyệt quy hoạch 53 tỉnh, thành phố
Theo ghi nhận của người viết, hiện tại, đã có khoảng 53 tỉnh, thành phố được phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong 53 tỉnh thành đó, có 7 tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, bao gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng với đó, các tỉnh bao gồm Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Nam đều phấn đấu đủ tiêu chuẩn để lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050.
Đặc biệt, đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được phê duyệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo đó, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, tỉnh này là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ...
Dự kiến hành chính đô thị, từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm hai quận (trong đó, thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 3 thị xã (TX Hương Thủy hiện hữu, TX Hương Trà hiện hữu và TX Phong Điền thành lập mới) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).
Từ sau năm 2025 đến năm 2030, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 3 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông).
Từ sau năm 2030 đến năm 2045, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện: 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), một thành phố (Chân Mây), TX Phong Điền và các huyện; tập trung xây dựng TP Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030.
Bên cạnh tỉnh Thừa Thiên Huế, một tỉnh khác là tỉnh Khánh Hòa cũng đã được phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phê duyệt, ranh giới lập Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên các xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Phước, Vạn Bình, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh; các phường Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Diêm, Ninh Hải và các xã Ninh An, Ninh Thọ, Ninh Phước thuộc TX Ninh hòa.
Quy mô điều chỉnh vào khoảng 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 79.178 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.822 ha.
Tính chất KKT Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết nối hợp tác phát triển các ngành kinh tế khác. Hiện tại, KKT Vân Phong hiện nay cũng đang được nghiên cứu xây dựng sân bay.
Tại Hà Nội, trong năm 2023, thành phố đã lập đồng thời hai quy hoạch, gồm: Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện. Trong khi đó, điều chỉnh quy hoạch chung đã được thông qua tại kỳ họp thứ 14 năm 2023 của HĐND thành phố.
Điểm nổi bật của quy hoạch này là Hà Nội sẽ xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).
Mô hình này nhằm để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Quy hoạch xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 được phê duyệt ngày 21/6, phạm vi lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (vùng TD&MNBB) gồm 14 tỉnh là Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình và các huyện phía Tây hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Về dự báo về phát triển đô thị và phân loại đô thị, năm 2030, tổng số đô thị toàn vùng đạt khoảng 278 đô thị, trong đó, đô thị loại I là 4 đô thị, loại II là 10 đô thị, loại III là 5 đô thị, loại IV là 52 đô thị và loại V là 207 đô thị.
Vùng TD&MNBB được phân ra thành 3 vùng không gian phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, là vùng biên giới Việt - Trung, vùng biên giới Việt - Lào và vùng trung du gò đồi. Mỗi vùng không gian gắn với phát triển các đô thị trung tâm vùng, cụm đô thị động lực với các cực tăng trưởng chủ đạo, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.
Hệ thống đô thị toàn vùng TD&MNBB đến 2030 được phân bố hợp lý trên cơ sở 3 vùng không gian gồm vùng biên giới Việt - Trung với khoảng 82 đô thị, gồm 48 đô thị cải tạo chỉnh trang, 17 đô thị nâng loại và 17 đô thị xây dựng mới. Trong đó: Thành phố Lào Cai và Lạng Sơn là đô thị loại I. TP Hà Giang, Cao Bằng là đô thị loại II. TP Lai Châu là đô thị loại III. Có 14 đô thị loại IV và 63 đô thị loại V.
Vùng biên giới Việt - Lào có khoảng 76 đô thị, gồm 29 đô thị cải tạo chỉnh trang, 11 đô thị nâng loại và 36 đô thị xây dựng mới. Trong đó: Thành phố Điện Biên và Sơn La là đô thị loại II. Các thành phố Mường Lay và Mộc Châu là đô thị loại III. Có 9 đô thị loại IV và 63 đô thị loại V.
Vùng trung du gò đồi có khoảng 120 đô thị, gồm 47 đô thị cải tạo chỉnh trang, 34 đô thị nâng loại và 39 đô thị xây dựng mới. Trong đó: Thành phố Thái Nguyên, Việt Trì là đô thị loại I. Các thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn và Sông Công là đô thị loại II. Các thành phố Phú Thọ, Nghĩa Lộ là đô thị loại III. Có 29 đô thị loại IV và 81 đô thị loại V.
Về hệ thống giao thông liên vùng, giai đoạn đến năm 2030 cần từng bước xây dựng hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không trong vùng theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia và vùng TD&MNBB, vùng biên giới Việt - Trung, Việt - Lào đã được phê duyệt.
Các giai đoạn tiếp theo, xây dựng các cao tốc nối vùng Thủ đô Hà Nội với các cửa khẩu quốc gia, quốc tế.
Về giao thông đô thị, tỷ lệ đất giao thông so với đất đô thị phải đảm bảo chỉ tiêu 23 - 25% đối với các đô thị loại I như Việt Trì, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai; 21 - 23% đối với các đô thị loại II như Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Giang, Điện Biên Phủ, Sơn La; 18 - 20% đối với các đô thị loại III như Phú Thọ, Nghĩa Lộ, Sông Công, Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng; 16 - 18% đối với các đô thị loại IV hoặc V.
Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt vào ngày 7/6, với mục tiêu phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng; bảo vệ môi trường, tiết kiệm các nguồn tài nguyên; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về vận tải: tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5 - 2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3 - 4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05-0,1% thị phần vận tải giao thông).
Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện hữu.
CÙng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các cảng hàng không mới để nâng tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 294,5 triệu hành khách, phấn đấu trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.
Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành hai trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.
Về hệ thống cảng hàng không toàn quốc, thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP HCM, hình thành 30 cảng hàng không.
30 cảng hàng không này bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
16 cảng hàng không quốc nội là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.
Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;
19 cảng hàng không quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía đông nam, nam Thủ đô Hà Nội.