Những pha thoát hiểm của lợi nhuận ngân hàng: Mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng, lãi lớn từ đầu tư chứng khoán
Ngân hàng lãi lớn từ đại dịch là thông tin mà thị trường nhận được nhiều trong mùa báo cáo tài chính quý III, tuy nhiên điều đó không đúng với tất cả. Con số lợi nhuận tăng bằng lần không đồng nghĩa với màu hồng trong kết quả kinh doanh chính.
Trong khi nhiều ngân hàng ghi nhận lãi lớn từ nhiều mảng từ thu nhập lãi thuần đến lãi từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối thì vẫn có những nhà băng cho kết quả ảm đạm ở các mảng kinh doanh chính và "cứu cánh" là những thu nhập đột biến hoặc chi phí dự phòng.
Lợi nhuận tăng vọt nhờ cắt giảm chi phí dự phòng
Kết quả kinh doanh quý III/2021 của PG Bank mới đây là một ví dụ điển hình. Trong quý vừa qua, hầu hết hoạt động kinh doanh chính của PG Bank đều giảm sút so với cùng kỳ: thu nhập lãi thuần giảm hơn 18%, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 35%, lãi từ các mang kinh doanh khác giảm hơn 57%....
Dù vậy, thay vì trích lập hơn trăm tỷ chi phí dự phòng như trong quý III năm trước, PG Bank lại được hoàn nhập hơn 1,7 tỷ đồng trong kỳ, khiến cho lãi trước thuế vẫn cao gấp 4,6 lần cùng kỳ, đạt 97 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 272,1 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2020, thực hiện 88% kế hoạch năm. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 63,8% xuống còn 93,1 tỷ đồng.
Điều này cũng diễn ra tương tự với kết quả kinh doanh quý III của VietABank. Trong khi lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng này sụt giảm hơn 46% so với cùng kỳ, thì việc cắt giảm hơn 70% chi phí dự phòng đã giúp lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 126 tỷ đồng, gấp gần 6 lần quý III/2020.
Lũy kế ba quý đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro đã giảm hơn 67% xuống 225 tỷ đồng, giúp lợi nhuận đạt 522 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ.
Hay như trường hợp của Kienlongbank, trong quý III, tổng các mảng kinh doanh đã đem về cho ngân hàng hơn 63,4 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Cộng hưởng với việc hoàn nhập hơn 9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trong kỳ của Kienlongbank đạt 72,8 tỷ đồng, tăng trưởng 73,8%.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bùng nổ
Trong bối cảnh việc tiếp cận tín dụng còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, việc đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi cũng là giải pháp giúp các ngân hàng duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong quý vừa qua, cụ thể trong quý vừa qua đến từ việc mua bán chứng khoán.
Như tại TPBank, trong quý III, tổng thu nhập ngoài lãi là gần 1.330 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đóng góp 913 tỷ đồng, gấp 11 lần quý III/2020.
Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong kỳ đạt hơn 3.673 tỷ đồng, tăng trưởng 66%. Dù chi phí dự phòng đã nâng lên gấp hơn 3 lần cùng kỳ, lợi nhuận của ngân hàng vẫn đạt tăng trưởng 40% lên 1.387 tỷ đồng.
Tương tự, dù hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối không gặp mấy khả quan, nhưng mảng chứng khoán đầu tư của Bac A Bank đã đem về hơn 94 tỷ đồng lãi thuần trong quý vừa rồi, gấp 10 lần cùng kỳ và đóng góp gần 15% trong tổng thu nhập hoạt động chung.
Hay tại OCB, từ một nguồn thu nhập phụ, mảng chứng khoán đầu tư đã mang về cho ngân hàng hơn 463 tỷ đồng riêng trong quý III/2021, gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm hơn 23% trong tổng thu nhập hoạt động.
Nếu không có khoản thu này, lợi nhuận quý III của Bac A Bank và OCB đều chỉ tăng trưởng ở mức một con số.