|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những nỗ lực vực dậy Hoa Sen: Khi nào đem lại 'quả ngọt'?

14:36 | 04/03/2019
Chia sẻ
Vốn được biết đến là “ông lớn” trong ngành thép, giờ đây Hoa Sen đang phải chật vật trong cuộc chiến giữ thị phần và tạo lợi nhuận. Liệu rằng chiến lược tái cấu trúc có giúp Hoa Sen lấy lại vị thế trước đây của mình?

Giấc mơ bành trướng mạng lưới và hệ quả

Quay lại 3 năm trước đây, với khí thế "hừng hực" của một đại gia ngành thép, đặc biệt ở phân khúc tôn mạ, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) đã tích cực đầu tư xây dựng các nhà máy mới và mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ, đưa vào hoạt động 11 nhà máy ở cả 3 miền Bắc - Trung – Nam.

Cùng với đó, Hoa Sen đã đầu tư mở rộng sản xuất, công suất của các nhà máy năm 2018 lên gấp đôi con số 1,2 triệu tấn vào năm 2015, trở thành công ty có nhiều nhà máy với công suất lớn  khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Hoa Sen đã thực hiện chiến lược mở rộng hệ thống chi nhánh phân phối bán lẻ. Tập đoàn đang sở hữu gần 500 chi nhánh trên cả nước, cao gấp 2,5 lần so với con số 190 chi nhánh vào năm 2015. 

Những nỗ lực vực dậy Hoa Sen: Khi nào đem lại quả ngọt? - Ảnh 1.

Biểu đồ hệ thống chi nhánh của Tập đoàn Hoa Sen. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2018).

Tuy nhiên, trước những khó khăn đối với ngành thép nói chung và Hoa Sen nói riêng, HĐQT công ty hôm 1/3 đã đồng ý việc nhận chuyển nhượng thêm khoảng 60 chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen tại các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, nâng tổng số chi nhánh nhận chuyển nhượng từ Đầu tư Hoa Sen lên khoảng 161 chi nhánh, đã bao gồm 101 Chi nhánh tiếp nhận trong năm 2018. Dự kiến thời gian hoàn thành nhận chuyển nhượng là trong tháng 3 này.

Bên cạnh đó, Hoa Sen sẽ cân nhắc tiếp tục nhận chuyển nhượng thêm các chi nhánh thuộc Đầu tư Hoa Sen để phát triển hệ thống phân phối lên 500-600 chi nhánh, tại từng thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019, Hoa Sen đã thông qua chủ trương đóng cửa tổng cộng 31 chi nhánh, để chuyển những chi nhánh này thành địa điểm kinh doanh; giảm số lượng chi nhánh xuống còn 460.

Động thái nằm trong chiến lược tái cơ cấu hệ thống phân phối đã được HĐQT Hoa Sen đã thông qua vào cuối tháng 10/2018.

Theo HĐQT Hoa Sen khi đó, trước tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn, bất ổn, Tập đoàn phải phát triển nhanh hệ thống chi nhánh/cửa hàng bán lẻ để gia tăng sản lượng tiêu thụ, tăng trưởng thị phần nội địa.

Trước đây, Hoa Sen đã triển khai mô hình nhượng quyền thương mại với một số đơn vị. Tuy nhiên, mô hình này lại không thành công do các đơn vị chuyển sang kinh doanh sản phẩm của các doanh nghiệp khác. 

Do vậy, Tập đoàn phải mở nhanh các chi nhánh mang thương hiệu Hoa Sen và phân phối 100% sản phẩm của Hoa Sen. Hoa Sen cho biết, sản lượng sản xuất của Tập đoàn đã đạt gần 2 triệu tấn/năm, do đó phải mở rộng HTPP để đáp ứng quy mô sản xuất của Tập đoàn.

Đồng thời, Hoa Sen sẽ đàm phán và làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn đầu tư Hoa Sen (HSIG) để nhận chuyển đổi các chi nhánh thuộc sở hữu, quản lý và khai thác của HSIG tại một số tỉnh thành phía Bắc và Trung Bộ.

Theo đó, tất cả các chi nhánh sẽ thuộc sở hữu 100% của Hoa Sen. Trái lại, Hoa Sen sẽ chuyển một số chi nhánh tại một số tỉnh thành phía Nam sang cho HSIG. Bước đi đầu tiên trong chiến lược này là việc chấm dứt hoạt động chi nhánh tại Dĩ An - Bình Dương và Châu Thành - Tiền Giang.

Vốn đâu để tái cấu trúc ?

Dường như quá trình tái cấu trúc này vẫn chưa mang lại hiệu quả tức thì khi trong quý I niên độ tài chính 2018-2019 (1/10 -31/12/2018), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoa Sen ghi nhận âm 116 tỉ đồng.

Cùng với việc đóng cửa các chi nhánh và nhận chuyển nhượng thêm khoảng 60 chi nhánh trực thuộc Đầu tư Hoa Sen, Tập đoàn đã phải chuyển nhượng lô đất tại đường Đỗ Xuân Hợi, quận 9, TP HCM để thu về gần 140 tỉ đồng và giúp Hoa Sen thoát lỗ ròng trong gang tấc. 

Những nỗ lực vực dậy Hoa Sen: Khi nào đem lại quả ngọt? - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh doanh nghiệp ngành thép 2018 (Kiên Dương tổng hợp). Số liệu cho năm dương lịch 2018 (1/1-31/12)

Và gần đây nhất, để có nguồn vốn cho quá trình tái cấu trúc, HĐQT Hoa Sen đã thông qua chủ trương thanh lí một số khu đất, mặt bằng, nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải. Hoa Sen cũng dự định thu hồi các chi phí đầu tư đối với một số dự án chấm dứt triển khai.

Ngoài ra, Hoa Sen còn dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược, nhà đầu tư khác với giá trị dự kiến phát hành là 500-1.000 tỉ đồng. Thời gian phát hành cụ thể và danh tính của đối tác chưa được tiết lộ.

Công ty cũng không trả cổ tức tiền mặt niên độ 2017-2018 mà dự tính trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 10%, tương đương tổng giá trị theo mệnh giá 385 tỉ đồng. 

Những bài toán khó

Nếu như trước đây, câu chuyện để mất thị phần là "nỗi đau" không thể chịu nổi của Hoa Sen thì bây giờ việc làm sao để kinh doanh có lãi cũng là một thách thức đối với ban lãnh đạo Tập đoàn.

Xuất hiện tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm nay, Chủ tịch HĐQT ông Lê Phước Vũ nhận định thị trường năm 2019-2020 sẽ còn nhiều phức tạp đến từ các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Những quyết định của Tổng thống Mỹ Trump từ tháng 3 năm ngoái đã khiến hệ thống cung ứng trên toàn cầu bị đảo lộn và Hoa Sen cũng chỉ là hạt cát nhỏ.

Ông Vũ cho rằng để tạo dựng được vị thế vững chắc và sống sót qua giai đoạn khó khăn này, Hoa Sen phải có ít nhất 1.000 cửa hàng. Nói thêm về chiến lược phát triển, vị Chủ tịch cho rằng Hoa Sen đã có 15 năm thừa thắng xông lên, đá đâu thắng đó, nhưng với chu kỳ giảm này, Hoa Sen phải tập chơi "đổ bê tông".

Ngoài ra, theo đánh giá của Chứng khoán TP HCM (HSC), thị trường xuất khẩu thép đang gặp phải vấn đề thuế chống bán phá giá còn thị trường trong nước cũng không khả quan do có doanh nghiệp mới tham gia ngành cùng với sự mở rộng mạnh mẽ công suất của các doanh nghiệp hiện hữu trong những năm gần đây.

Để đối phó với chính sách áp thuế chống bán phá giá, Hoa Sen đã chuyển trọng tâm sang thị trường nội địa vào những năm gần đây. Tập đoàn đã tích cực mở mới chi nhánh hàng năm nhằm nâng thị phần trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện chiến lược này, Hoa Sen đã phải giảm giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng, chính là cách mà Hoa Sen đã làm trước đây đối với sản phẩm ống nhựa. Hoa Sen dường như bị các doanh nghiệp lớn trong ngành này coi như đối thủ "xấu tính" vì sẵn sàng bán sản phẩm với giá chiết khấu rất cao. 

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của nhiều doanh nghiệp lớn ngành nhựa, cái tên Hoa Sen được nhắc đến nhiều lần bởi cách mà Hoa Sen thâm nhập và tấn công ngành nhựa. 

Thu Hoài