Những giao dịch chứng khoán đang sử dụng robot và thuật toán ở Việt Nam
Trong công văn gửi các công ty chứng khoán giữa tháng 9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu CTCK dừng việc sử dụng đặt lệnh tự động và có biện pháp ngăn chặn hình thức đặt lệnh tự động từ nhà đầu tư sau khi cơ quan quản lý nhận thấy có hiện tượng sử dụng robot đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến với tuần suất lớn.
Theo UBCKNN, việc đặt lệnh tự động trong cùng một thời điểm dẫn đến số lệnh vào sàn vượt quá năng lực thiết kế của hệ thống, gây hiện tượng quá tải hệ thống. Đây có thể là nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ hệ thống.
Khi lượng nhà đầu tư và quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán gia tăng đột biến, câu chuyện quá tải hệ thống đặt lệnh trên sàn HOSE từng là chủ đề nóng. Nhưng sau đó vấn đề này được giải quyết nhờ sử dụng phần mềm của HNX thay cho hệ thống của sàn HOSE.
Tại thời điểm thay thế, ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch FPT IS – đơn vị cung cấp phần mềm cho sàn HNX cho biết hệ thống được sử dụng cho sàn HOSE có khả năng xử lý tối đa 5 triệu lệnh/ngày, cao hơn đáng kể khả năng xử lý lệnh của trước đó với khoảng 900.000 lệnh/ngày.
Sau 1 năm triển khai hệ thống của FPT trên HOSE, ông Đặng Trường Thạch, Phó TGĐ của FPT IS chia sẻ phiên giao dịch có số lượng lệnh cao đạt khoảng 1,84 triệu vào ngày 19/11/2021, bằng khoảng 1/3 công suất tối đa của hệ thống.
Phiên 19/11/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu đẩy quy mô thanh khoản lên gần 56.200 tỷ đồng, trong đó khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 1,5 tỷ cp. Trong 2 tháng trở lại đây, thanh khoản tăng trở lại. Phiên bán tháo 18/8, sàn HOSE ghi nhận khối lượng 1,65 tỷ cổ phiếu được trao tay.
Những ngày giao dịch có khối lượng trên 1 tỷ cp được khớp trên sàn HOSE xuất hiện dày hơn, đặc biệt phiên thị trường đỏ lửa. Đây có thể là phiên có số lượng lệnh đẩy vào hệ thống HOSE tăng đột biến.
“Tuy nhiên, dữ liệu số lượng lệnh bằng bao nhiêu phần trăm năng lực của hệ thống HOSE hay lượng lệnh tăng đột biến trong từng thời điểm, khung thời gian là bao nhiêu, vượt bao nhiêu phần trăm năng lực tải của hệ thống là điểm cần được quan tâm để giải quyết câu chuyện sử dụng robot, thuật toán giao dịch trên thị trường hiện nay”, đại diện một đơn vị công nghệ trên thị trường cho hay.
Trong xu hướng phát triển quy mô thanh khoản thị trường và số lượng nhà đầu tư, nền tảng công nghệ được các công ty chứng khoán ứng rộng rãi hơn. Robot và thuật toán giao dịch tham gia vào nhiều nghiệp vụ như giao dịch, sao chép, chẻ lệnh, chia lệnh, tạo lập, quản trị rủi ro, cảnh báo… Khách hàng định chế là bộ phận sử dụng robot, thuật toán nhiều nhất. Sự tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân với các giải pháp này còn hạn chế.
Liên quan đến một số nghiệp vụ sử dụng robot, thuật toán giao dịch hiện nay, giao dịch sao chép (copy trade) được chú ý. Copy trade là nghiệp vụ sử dụng công nghệ để sao chép lệnh và phân phối tới các tài khoản sao chép. Song, hiện quy mô giao dịch còn rất nhỏ nếu nhìn vào số liệu tài khoản thuộc quyền quản lý (AuM). Ước tính quy mô copy trade dưới 500 tỷ đồng tại mỗi CTCK cho phép copy trade, số lượng lệnh đẩy từ nghiệp vụ này không đáng kể. Tại TCBS, có dưới 20 tài khoản cho phép sao chép với AuM đạt trên 1 tỷ đồng/
Một nghiệp vụ khác đó sử dụng robot để dự phòng (hedging) cho danh mục chứng quyền phát hành, phái sinh. Hiện quy mô thanh khoản chứng quyền có bảo đảm ở Việt Nam trong khoảng 50 – 100 tỷ đồng/phiên, lượng lệnh để tạo lập và hedging khá hạn chế so với chứng khoán cơ sở.
Với giao dịch phái sinh, nếu giả định tổ chức nước ngoài và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tham gia mua bán đồng thời trên cả thị trường cơ sở và phái sinh sôi động nhất để hưởng chênh lệch giá (nghiệp vụ spread). Những giao dịch chủ yếu thực hiện với cổ phiếu nhóm VN30 có sự tham gia của robot. Hiện giao dịch của khối ngoại và bộ phận tự doanh không đáng kể, chỉ kiếm khoảng 1 – 4% thanh khoản phái sinh hàng ngày.
Theo một chia sẻ từ một đơn vị tham gia nghiệp vụ này, giao dịch robot cũng được sử dụng để trộn các chỉ báo (indicator) trong giao dịch phái sinh nhưng cũng khá đơn giản.
Với giao dịch cơ cấu danh mục ETF, các quỹ này thường thực hiện giao dịch tập trung trong ngày cơ cấu danh mục. Còn với giao dịch hàng ngày khi huy động thêm tiền hoặc rút quỹ, các tổ chức tạo lập quỹ ETF là công ty thường thực hiện theo lô với một cơ cấu xác định sẵn. Cao điểm những phiên giao dịch cơ cấu, thanh khoản từ các ETF chiếm khoảng 10% tổng quy thị trường.
Ngoài ra, robot hay thuật toán giao dịch xuất hiện ở các lệnh điều kiện. Trên thị trường, ngoài các lệnh như ATC, ATO, MP, L/O, các công ty chứng khoán còn cung cấp nhiều loại lệnh điều kiện khác nhau.
Những lệnh điều kiện cho phép nhà đầu tư thực hiện giao dịch ở tỷ lệ cố định, được cài đặt từ trước, dựa trên khối lượng giao dịch thực (real – time) cho đến khi lệnh được hoàn tất. Tỷ lệ cố định được sử dụng như khối lượng giao dịch của cổ phiếu trên tổng khối lượng thị trường, giá trị giao dịch bình quân, khối lượng giao dịch bình quân.
Khi sử dụng lệnh điều kiện, nhà đầu tư còn có thể thực hiện giao dịch với khối lượng bằng nhau trong các khung thời gian, lệnh khớp giá trung bình bằng giá trung bình trong một giai đoạn được cài đặt. Hoặc, lệnh đặt mua/bán với giá tốt hơn so với giá giới hạn, chỉ gửi lên sàn khi đủ điều kiện thanh khoản, tránh bị thị trường phát hiện. Với một tổ hợp tài khoản con, lênh có thể được chia về các tài khoản theo tỷ lệ định trước.
Tuy nhiên, theo một công ty chứng khoán, thị trường hiện nay phần lớn là nhà đầu tư cá nhân và được chăm sóc bởi nhân viên môi giới, các loại lệnh điều kiện có mức độ tự động hóa cao chưa thực sự phổ biến.
Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, giao dịch thuật toán được sử dụng trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York từ những năm 70 của thế kỷ trước và giao dịch tần suất cao (high-frequence trading – HFT) trở nên phổ biến hơn. Theo thống kê của Select USA, giao dịch thuật toán, robot chiếm 60 – 73% giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ, 60% ở châu Âu và 45% ở châu Á – Thái Bình Dương.