|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những điều người Anh có thể chưa nhận ra về 'chốt chặn' cuối cùng của Brexit (Phần 2)

08:19 | 28/08/2019
Chia sẻ
Một số chuyên gia đặt câu hỏi phải chăng với việc một mực phản đối “Backstop”, người Anh đang từ chối một lợi thế thương mại mà đáng lẽ ra mình sẽ được hưởng?
photo-1

Tuần hành phản đối Brexit tại London, Anh ngày 23/3/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Giữa bối cảnh nước Anh nhiều khả năng sẽ rời EU vào ngày 31/10 tới mà không có một thỏa thuận nào, phía EU cho rằng Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier đã phải nhượng bộ khá nhiều với phía Anh khi ông đã chấp nhận một chính sách nhằm tránh để “xứ sở sương mù” rơi vào kịch bản đường biên giới cứng với Ireland thời kỳ hậu Brexit.

Tổng thống Pháp Macron có lẽ là người không "ưa" kế hoạch “Backstop” nhất trong số những người ủng hộ Brexit. Ông thậm chí đã "nổi giận" khi biết rằng nước Anh được quyền tiếp cận thị trường EU mà không cần phải nhượng bộ trong việc cho phép ngư dân của liên minh tiếp cận vùng biển thuộc chủ quyền của Anh.

Tuy nhiên, chiến thắng lớn nhất đối với người Anh có lẽ là việc “Backstop” sẽ cho phép London tự “cởi trói” mình khỏi các quy tắc trong ngành dịch vụ EU. 

Lĩnh vực dịch vụ chiếm đến khoảng 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh và với sự hỗ trợ của “Backstop”, Quốc hội Anh sẽ phản đối bất kỳ quy tắc mới nào có khả năng gây thiệt hại cho nước Anh mà Brussels đưa ra.

Một nguồn tin cho biết: “Backstop nếu được áp dụng dài hạn sẽ trao cho nước Anh toàn quyền tiếp cập vào thị trường hàng hóa duy nhất của EU mà không cần phải tham gia một thỏa thuận thương mại với khối này như nhiều nước thứ ba khác. 

Đồng thời, London sẽ có thể chủ động thay đổi các quy định trong mảng dịch vụ để khiến họ cạnh tranh hơn nữa trong một lĩnh vực mà họ vốn đã dẫn đầu ở châu Âu”.

Thậm chí, điều mà Brussels lo sợ nhất chính là việc London mang quyền tiếp cận thị trường EU ra để mặc cả trong các thỏa thuận thương mại tương lai để đổi lấy quyền tiếp cận các thị trường khác cho “xứ sở sương mù”. 

Làm như vậy, các lĩnh vực này của Anh sẽ ngày càng cạnh tranh hơn, trong khi ngành công nghiệp và nông nghiệp của EU sẽ phải trả giá.

Trong khi những người ủng hộ Brexit lo ngại rằng nước Anh có thể vĩnh viễn mắc kẹt trong liên minh hải quan EU, nếu Brussels từ chối đàm phán về một thỏa thuận thương mại trong tương lai, sự quan ngại này cũng tồn tại ở Brussels, bởi vì các nhà ngoại giao cho rằng với “Backstop”, EU sẽ ngày càng khó ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với một bên thứ ba khác.

Lâu nay “xứ sở sương mù” luôn là điểm đến đáng mơ ước của xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, sau khi Brexit diễn ra, Brussels đơn giản sẽ không còn quyền tiếp cận thị trường Anh.

Cuối cùng, các nước EU có thể sẽ cố gắng đưa ra một số thách thức về mặt pháp lý với Tòa án châu Âu trong nỗ lực nhằm khuyến khích Ủy ban Châu Âu và Quốc hội Anh chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay.

Một nhà ngoại giao EU nhận định: "Đó (kế hoạch “Backstop”) là sự thỏa hiệp tốt nhất để bảo vệ ổn định trên đảo Ireland, nhưng không phải là thỏa thuận tuyệt vời đối với chúng tôi, đặc biệt là với các nền kinh tế ở Biển Bắc, từ Thụy Điển đến Bỉ".

Phương Nga