Những điều bất ngờ trong mùa ĐHĐCĐ thường niên 2017
SCIC đòi bổ sung ngay tờ trình rút 1.000 tỷ tại TIS
Trước thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Gang thép Thái Nguyên – Tisco (TIS) 3 ngày, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bất ngờ đề nghị bổ sung nội dung phương án thoái vốn làm giảm quy mô vốn điều lệ TIS tại Đại hội.
Năm 2015, SCIC đã mua 100 triệu cổ phiếu của TIS nhằm đầu tư 1.000 tỷ để Công ty này thanh toán các hạng mục đầu tư dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”. Qua 2 năm, dự án vẫn đang “đắp chiếu” và khoản đầu tư được đem gửi ngân hàng với lãi suất 5,3 – 5,5%/năm. Theo kế hoạch đề ra, dự án sẽ được khởi động lại từ 01/04/2016, thi công trong vòng 18 tháng, đến 01/10/2017 hoành thành đưa vào sản xuất. Song, tính đến nay dự án chưa đủ điều kiện để tái khởi động và chờ chỉ đạo từ Chính phủ.
Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, công văn từ Bộ Tài chính, SCIC đã quyết định rút ngay 1.000 tỷ đồng. Vấn đề đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của TIS và sau Đại hội, HĐQT Công ty đã đưa ra phương án là chuyển số tiền 1.000 tỷ gửi tại các ngân hàng về tài khoản SCIC trước ngày 26/04, đến ngày 28/04 vừa qua SCIC đã xác nhận nhận được tiền.
Việc SCIC rút vốn làm cho TIS bị giảm vốn điều lệ xuống còn 1.840 tỷ đồng, tỷ lệ nợ trên vốn của Công ty tăng mạnh từ 2,8 lên 4,4 lần. Ngoài ra, đối với dự án “Cải tạo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2”, tính đến cuối quý I/2017, TIS đã đổ tổng cộng 4.682 tỷ đồng chủ yếu vay VDB và VietinBank. Khoản vay với VietinBank đã đến hạn trả từ đầu năm 2017, kết hợp với việc SCIC rút vốn, dự án chưa đi vào hoạt động càng khiến cho tình trạng của Công ty càng khó khăn hơn nữa.
Thế nhưng việc SCIC rút cả 1.000 tỷ không phải là bất ngờ duy nhất, theo tài liệu công bố trước đó, HĐQT TIS đưa ra kế hoạch cho năm 2017 là tổng doanh thu 8.940 tỷ và lợi nhuận trước thuế từ 160 tỷ đồng nhưng tờ trình tại Đại hội là tổng doanh thu giữ nguyên 8.940 tỷ nhưng lợi nhuận trước thuế nâng lên 216 tỷ đồng.
PAC thêm tờ trình lùi ngày thông qua BCTC 2016 kiểm toán
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Pin Ắc Quy Miền Nam (HOSE: PAC) đã diễn ra sự việc chưa có tiền lệ là phát sinh tờ trình cho phép lùi ngày thông qua báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán bởi Công ty TNHH Pricewaterhouse Coopers Việt Nam (Pwc) do chỉ tiêu lợi nhuận sẽ thay đổi.
Cụ thể, khi lập BCTC năm 2016, Công ty đã tạm tính nguồn lương theo Nghị định 53/2016/NĐ-CP ngày 13/06/2016. Sau khi rà soát lại BCTC, HĐQT đã yêu cầu điều chỉnh giảm nguồn lương 44,3 tỷ theo thực tế chi làm lợi nhuận tăng trương ứng. Thêm nữa, trong BCTC Công ty có trích lập quỹ dự phòng trợ cấp thôi việc 33,9 tỷ theo điều 48 Luật Lao động năm 2012 và theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18. Tuy nhiên, HĐQT thấy cơ sở pháp lý chưa rõ ràng nên yêu cầu Công ty có văn bản tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính, sau khi có ý kiến của cơ quan Quản lý Nhà nước thì sẽ điều chỉnh số liệu và thông qua Đại hội sau bằng hình thức gửi văn bản.
Được biết, theo báo cáo tài chính kiểm toán đã công bố, năm 2016 PAC đạt 160,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 121,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo như Ban lãnh đạo của PAC thì lợi nhuận chính thức năm 2016 của Công ty chắc chắn sẽ điều chỉnh tăng thêm 44,3 tỷ đồng, còn khoản lợi nhuận điều chỉnh tăng 33,9 tỷ thì chờ kết luận của Bộ Tài chính.
Năm 2017, PAC đề ra mục tiêu doanh thu 2.750 tỷ đồng và lợi nhuận 165 tỷ đồng, cổ tức không thấp hơn 15%.
“Nóng” chuyện đi và đến của các lãnh đạo
Mùa Đại hội năm 2017 chứng kiến một vấn đề nổi cộm là hàng loạt doanh nghiệp tiến hành bầu lại HĐQT và KBS cho nhiệm kỳ mới.
Nóng nhất và bất ngờ nhất phải kể đến việc bầu bổ sung nhân sự HĐQT của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – VNM) khi ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Coteccons được đề cử vào HĐQT VNM trong khi lĩnh vực hoạt động của hai đơn vị hoàn toàn khác biệt. Lý giải tại Đại hội, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc VNM cho biết ông Dương là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, VNM mời để làm trưởng tiểu ban lương thưởng để tạo động lực cho nhân viên phát triển mà giữ vững lợi ích cho cổ đông.
Mặt khác, năm 2017 cũng đánh dấu việc VNM thay đổi mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới là bỏ vai trò của Ban kiểm soát cũ, thành lập tiểu ban kiểm soát nội bộ trực thuộc HĐQT. Số lượng thành viên HĐQT từ 6 người được tăng lên 9 người. Mô hình này kỳ vọng giúp hoạt động doanh nghiệp minh bạch hơn, giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của cổ đông thiểu số.
Đại hội của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG) cũng nóng không kém với cuộc “thay máu” HĐQT cho nhiệm kỳ mới với 2 ứng viên đến từ SCIC, 2 ứng viên từ Viettel và 2 Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Vinaconex. Chỉ duy nhất ông Đỗ Trọng Quỳnh là Thành viên HĐQT cũ còn lại ở cho nhiệm kỳ mới (2017 – 2022). Trong đó, một nhân vật gây chú ý là ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ứng cử vào HĐQT Vinaconex. Trong cuộc họp HĐQT sau đó, ông Nguyễn Đức Chi đã được bầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Chia sẻ tại Đại hội Vinaconex, ông Chi cho biết SCIC sẽ thoái vốn tại VCG do lĩnh vực đầu tư bất động sản không thuộc diện Nhà nước nắm giữ vốn lâu dài nhưng thời điểm cụ thể chưa rõ.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đã diễn ra với một chút đượm buồn khi ông Hoàng Xuân Quốc, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc không thể tham gia nhiệm kỳ mới do sắp nghỉ hưu theo quy định. Ông Quốc là người có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm lại gắn bó và cống hiến rất nhiều cùng Công ty từ bao năm nay, nói không qua nếu cho rằng ông là linh hồn của NT2. Cho nên việc ra đi của ông Quốc khiến nhiều cổ đông tại Đại hội bày tỏ sự nuối tiếc và rất quan tâm đến việc ông có còn tiếp tục công tác tại NT2 dưới hình thức khác như làm ban cố vấn.
Được biết, ông Quốc sinh năm 1957 và kết thúc năm 2017 sẽ tròn 60 tuổi, đúng tuổi nghỉ hưu theo quy định.