|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều vi phạm tại các dự án nghỉ dưỡng ở 9 địa phương

21:03 | 05/12/2022
Chia sẻ
Thanh tra Chính phủ có thông báo kết quả thanh tra công tác quản lý Nhà nước về du lịch giai đoạn 2007-2017 ở 9 tỉnh và thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, TP HCM, Cần Thơ.

Trong số các dự án thanh tra có nhiều dự án resort, khu du lịch nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành vi phạm quy định về định giá đất và tiến độ thực hiện dự án không đúng như giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) đã được cấp. 

Tại TP Hải Phòng, dự án khu tổ hợp Resort Sông Giá do công ty TNHH Huyndai E&C Vina Sông Giá làm chủ đầu tư, có 8 lần thay đổi GCNĐT do quá trình lập quy hoạch, điều chỉnh và phê duyệt dự án của UBND Thành phố chưa tốt.

Tháng 10/2007, UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết sân golf và khu nghỉ dưỡng tổng hợp, trong khi sân golf của dự án chưa có trong quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh tại quyết định số 4 năm 2001. Tính đến giai đoạn 2013-2018, dự án có một số hạng mục không thực hiện.  

Ở tỉnh Thừa Thiên Huế, các dự án du lịch nghỉ dưỡng được thanh tra hầu hết đều chậm tiến độ thực hiện. Trong đó, Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam của công ty TNHH MTV Bãi Chuối được cấp GCNĐT từ cuối tháng 3/2008 nhưng đến nay nhà đầu tư chưa thực hiện nội dung nào để triển khai thực hiện. Dự án đủ điều kiện để chấm dứt đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 và nằm trong 29 dự án cần giám sát đặc biệt của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải do Vicoland Group đầu tư, qua 2 lần điều chỉnh GCNĐT đã gia hạn dự án thêm 87 tháng, gấp 3,6 lần tổng thời gian giãn tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Thời gian không sử dụng đất liên tục 48 tháng, gấp 4 lần thời gian quy định của Luật Đất đai 2013.

Chủ đầu tư cũng mới nộp 3,3 tỷ đồng của 8 tỷ đồng tiền ký quỹ cam kết. Bên cạnh đó, việc xác định 20.638 m2 đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch là đất ở trong GCNĐT điều chỉnh lần 3 là chưa đúng quy định về phân loại đất đai.

Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec của CTCP Xây dựng và phát triển công nghiệp Việt Nam, thời điểm thanh tra, nhà đầu tư đã hoàn thành xong tất cả các điều chỉnh quy hoạch theo góp ý của các Sở, ngành với quy mô khoảng 27 ha nhưng hồ sơ điều chỉnh chưa được Sở Xây dựng tiếp nhận.

Dự án chậm tiến độ so với GCNĐT do khó khăn về cơ chế tài chính và thủ tục đất đai của dự án, vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư mới ứng trước 3,5 tỷ của 17,9 tỷ để thực hiện bồi thường.

Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của CTCP Đầu tư Phát triển Phong Phú Lăng Cô, sau khi cấp GCNĐT điều chỉnh lần 2 dự án được cấp giấy phép quy hoạch, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết để xây dựng năm 2017.

Nhà đầu tư đã trình thẩm định phê duyệt quy hoạch, rà soát, điều chỉnh hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch vào năm 2018 nhưng chưa được các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp nhận để thẩm định. Dự án cũng vướng mắt trong việc triển giải phóng mặt bằng để thực hiện sân golf.

Tại Quảng Nam, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf cao cấp Mai House Hội An tính đến tháng 7/2018 mới triển khai thực hiện cọc thử và cọc đại trà, thi công hầm kết nối với sân golf Indochina Hội An, san lấp mặt bằng, triển khai trồng đưa và chưa có hạng mục xây dựng được hoàn thành. 

Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của CTCP Vinpearl, khi triển khai đã có kế hoạch xây dựng sân golf là chưa đúng chủ trương phê duyệt của Thủ tướng. Ngày 31/8/2017, ban quản lý khu KTM Chu Lai tổ chức cuộc họp với bên đầu tư thống nhất nội dung cam kết và mức ký quỹ. Phía đầu tư đã ứng trước tiền thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là 13,2 tỷ trên 30,5 tỷ đồng tiền ký quỹ phải nộp, chưa đúng quy định.

Việc định giá đất của Khu dịch vụ thể thao cho dự án cũng chưa hợp lý, thấp hơn số tiền đúng quy định theo thanh tra khoảng 194,6 tỷ đồng, UBND tỉnh đã ban hành nghị quyết vào tháng 9/2018 để xác định lại nghĩa vụ tài chính về đất đai của nhà đầu tư theo quy định.

Tại tỉnh Lâm Đồng, dự án khu nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, khách sạn cao cấp trong khu du lịch hồ Tuyền Lâm của CTCP Đất Việt, theo thời điểm thanh tra dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng, nộp nghĩa vụ thuế đất gần 5 tỷ đồng và nghĩa vụ tài chính cho việc gia hạn hơn 202 triệu đồng, nhà đầu tư đã huy động đủ nguồn vốn để tiếp tục triền khai, đang đề nghị được UBND tỉnh gia hạn. Đến ngày 28/1/2021, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án trên.

Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Đà Lạt của CTCP Vinpearl đã ký quỹ đầu tư thực hiện dự án là 7 tỷ đồng nhưng đến háng 6/2014 vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của dự án.

Tại Bình Thuận, hầu hết các dự án được thanh tra đều triển khai chậm so với tiến độ cam kết trong GCNĐT, nhiều dự án vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Một số chủ đầu tư chậm nộp hoặc chưa nộp tiền thuê đất như: CTCP Đầu tư Du lịch Long Hải chưa nộp 2,2 tỷ đồng tiền thuê đất 2016-2017 của dự án Làng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Long Hải; Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Tân Tiến nợ 4,2 tỷ đồng tiền thuê đất và hơn 126 triệu đồng tiền chậm nộp của dự án khu du lịch The Bale Mũi Né; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Eden của dự án khu du lịch Biển Rừng Dương nợ gần 1 tỷ đồng tiền thuê đất.

Đăng Nguyên

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.