Nhiều nước triển khai các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế
Nhằm kích thích nền kinh tế vốn đã rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm do đại dịch, ngày 25/9, Chính phủ Australia cho biết sẽ đơn giản hóa các qui định cho vay của ngân hàng để tăng dòng vốn tín dụng ra thị trường.
Cụ thể, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ được tiếp cận khoản vay trị giá 130 tỷ AUD (tương đương 91,6 tỷ USD)/tháng. Các ngân hàng sẽ không bị phạt nếu người vay cung cấp thông tin lpsai trong đơn xin vay vốn, giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt khoản vay.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho biết những thay đổi đề xuất sẽ giúp giảm gánh nặng pháp lý, thời gian cũng như chi phí cho các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ muốn tiếp cận các khoản vay. Ông nhấn mạnh nguồn tín dụng sẽ rất cần thiết đối với quá trình phục hồi kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Frydenberg cho rằng khung pháp lý hiện nay của Australia liên quan đến việc cấp vốn vay không phù hợp với mục tiêu này.
Dù mức lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục, nhưng các cá nhân vẫn gặp khó khăn để tiếp cận các khoản vay, thậm chí nhiều người từ bỏ ý định do các điều luật quy định nghiêm ngặt về vấn đề này.
Các đề xuất cải cách trên vẫn cần được Quốc hội Australia thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.
Tại một phiên điều trần ngày 24/9, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo việc chính phủ nước này không tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ tài chính sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ vốn đang phục hồi sau suy thoái do COVID-19.
Ông Powell lưu ý có khoảng 11 triệu người Mỹ mất việc trong thời gian đại dịch hoành hành và những người này hiện có thể trang trải chi tiêu nhờ được chính phủ hỗ trợ như tăng trợ cấp thất nghiệp. Chủ tịch FED cho rằng kinh tế Mỹ sẽ gặp rủi ro nếu chính phủ không duy trì một số hình thức hỗ trợ như vậy.
Cũng tại phiên điều trần, giới chức Mỹ nhấn mạnh một gói cứu trợ cụ thể vẫn cần thiết và hối thúc hai viện của quốc hội nhất trí về gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế.
Trong khi chương trình hỗ trợ thất nghiệp liên bang dành cho khoảng 30 triệu người Mỹ đã hết hiệu lực cuối tháng 7 vừa qua, quốc hội và chính quyền của Tổng thống Trump vẫn chưa nhất trí về gói hỗ trợ tiếp theo.
Tháng 5, Hạ viện Mỹ đã công bố một gói cứu trợ trị giá 3.000 tỷ USD, nhưng không nhận được sự ủng hộ của Thượng viện. Cuối tháng 7, Thượng viện Mỹ đề xuất gói hỗ trợ 1.000 tỷ USD, nhưng vấp phải rào cản tại Hạ viện.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Mexico thông báo đã giảm 0,25% lãi suất liên ngân hàng xuống còn 4,25%. Đây là lần thứ 11 liên tiếp ngân hàng này giảm lãi suất chủ chốt nhằm kích thích kinh tế.