|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều dự án FDI lớn được cấp phép vào Bình Dương

16:41 | 22/03/2017
Chia sẻ
Ngày 22-3, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án trong và ngoài nước với tổng số vốn cam kết hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ.
nhieu du an fdi lon duoc cap phep vao binh duong
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư -Ảnh: Hùng Lê

Trong số đó có dự án phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, với tổng vốn đầu tư hơn 284,7 triệu đô la Mỹ do liên doanh Việt Nam - Singapore đầu tư. Dự án được phát triển trên diện tích 1.000 héc ta tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên.

Một dự án khác là nhà máy sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm dạng lỏng của Công ty cổ phần Tetra Pak Bình Dương (Singapore). Dự án có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp VSIP II-A. Theo kế hoạch nhà đầu tư sẽ phát triển dự án với quy mô 12 tỉ bao bì/năm.

Trong khi đó, tập đoàn đầu tư đến từ Hàn Quốc Kolon Industries Inc., được cấp phép đầu tư nhà máy sản xuất sợi lốp polyester HMLS để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô. Chủ đầu tư cho biết dự án có quy mô 36.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng sẽ có vốn đầu tư 220 triệu đô la Mỹ.

Tương tự, Tata Coffee Limited (Ấn Độ) cũng đón giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy sản xuất cà phê hòa tan với quy mô 660 kg/giờ tại Khu công nghiệp VSIP II-A, với vốn đầu tư khoảng 63 triệu đô la Mỹ.

Đáng chú ý tại sự kiện này là Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) đã tăng thêm 485,8 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 760 triệu đô la Mỹ tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng. Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester, sản phẩm kéo sợi cotton.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2017 đến ngày 15-3, tỉnh đã cấp mới 43 dự án với tổng vốn đầu tư 793,3 triệu đô la Mỹ, tăng 204% so với vốn đăng ký mới cùng kỳ năm 2016; điều chỉnh tăng vốn 18 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là hơn 550 triệu đô la Mỹ, tăng 364% về vốn tăng thêm so với năm 2016.

Như vậy, chỉ tính đến ngày 15-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn đã đạt hơn 1,344 tỉ đô la Mỹ, đứng đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý số vốn cam kết này tăng đến 250% so với năm 2016, đạt 96% kế hoạch năm nay (1,4 tỉ đô la Mỹ).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp tập trung trong thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Phần lớn các dự án đều được bố trí vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại dịch vụ... được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Số lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng nhiều so với các năm trước.

Trong kế hoạch, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan để kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp tập trung với các dự án thuộc công nghiệp hổ trợ, giày da, may mặc, và những dự án có hàm lượng công nghệ cao theo định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

Lũy kế đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 2.892 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 27 tỉ đô la Mỹ. Bình Dương là địa phương có số vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ hai của cả nước, chỉ sau TPHCM.

Hùng Lê

Xu hướng tín dụng các ngân hàng đang thay đổi: Tăng bán buôn hay mở rộng bán lẻ?
Trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu, các ngân hàng đang tìm mọi cách thay đổi để phát triển quy mô cho vay của mình. Nhiều nhà băng chọn tập trung đẩy mạnh bán buôn trong khi một số lại muốn phát triển những mảng không phải thế mạnh của mình.