Nhiều dự án condotel vi phạm cam kết lợi nhuận
Bất cập cam kết lợi nhuận và pháp lý
Theo các chuyên gia, tại các dự án kinh doanh condotel ở Việt Nam, chủ đầu tư thường dùng đòn bẩy cam kết lợi nhuận để bắt tay, thu hút nhà đầu tư, khách hàng. Con số cam kết lợi nhuận theo hợp đồng ký kết giữa hai bên ở mức rất cao từ 8 đến 12%/năm, thậm chí cá biệt có trường hợp cam kết được đẩy lên mức 14%/năm. Thời hạn thực hiện cam kết từ 8 đến 12 năm.
Nhiều dự án condotel vi phạm cam kết lợi nhuận
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, vừa qua, có nhiều trường hợp nhiều dự án condotel ở Nha Trang, Đà Nẵng chưa đảm bảo thực hiện đúng cam kết lợi nhuận với khách hàng. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý để áp đặt chủ đầu tư đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
"Hiện tại, quy chuẩn lớn nhất khi đầu tư vào loại hình condotel là niềm tin của khách hàng đặt vào chủ đầu tư. Vì vậy, khách hàng nên lựa chọn những chủ đầu tư uy tín, năng lực tài chính mạnh, đảm bảo đưa dự án về đích đúng hạn để khai thác lợi nhuận", ông Châu nói.
Bên cạnh đảm bảo cam kết lợi nhuận cho khách hàng thì pháp lý condotel nhận được nhiều sự quan tâm từ cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư cho đến khách hàng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, thực tế đã có địa phương ghi trên giấy chủ quyền đất ở không hình thành đơn vị ở, không xác định thời gian sở hữu là trái quy định đất đai. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với nhau để hình thành khung pháp lý cho những dự án condotel. Khung pháp lý ra đời phải đảm bảo tính sở hữu của khách hàng và buộc chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết lợi nhuận.
Bế tắc vay tiền để mua condotel
Nhiều chuyên gia cho rằng với nền pháp lý chưa được vững chắc như hiện tại, việc khách hàng vay tiền mua căn hộ condotel gần như không thể.
Bởi lẽ, với những loại hình khác thì chủ đầu tư sẵn sàng thế chấp dự án với ngân hàng để khách hàng có thể vay vốn mua dự án. Riêng condotel thì hơi khó, do pháp lý không rõ ràng nên khách hàng không thể dùng dự án để vay ngân hàng.
Khó khăn nữa là trong thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành xây dựng lộ trình điều tiết dòng vốn vay trung và dài hạn theo hướng chuẩn quốc tế. Khi đó, dòng vốn vay để đầu tư bất động sản cũng sẽ khó hơn.
Ông Trần Đình Cường – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng cho biết, cho vay trung dài hạn chỉ chiếm 50% tổng vốn cho vay, trong đó cho vay bất động sản chỉ 10 - 12%. Trên góc độ tổng thể, cho vay kinh doanh bất động sản nằm trong diện hệ số rủi ro cao nên buộc phải điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn.
"Quá trình điều tiết của ngân hàng về các khoản vay trung, dài hạn sẽ diễn ra dần dần. Bản thân các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng phải tự điều tiết mình theo sao cho phù hợp", ông Cường nhìn nhận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/