|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều bất cập trong việc sử dụng đất cho các dự án du lịch tâm linh

16:36 | 29/08/2019
Chia sẻ
Nghị Quyết vừa ban hành của Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong công tác qui hoạch, quản lí và sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, có việc sử dụng đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh.
giao-dat-cho-dn-xay-chua-tam-chuc-1566356944-width1000height655

Việc sử dụng đất cho các dự án tâm linh còn nhiều bất cập. (Ảnh: Báo giao thông)

Qui hoạch đô thị thiếu tầm nhìn dài hạn

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 82 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về qui hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo Nghị quyết, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế thất thoát, tiêu cực, lãng phí. 

Ngoài ra, qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qui hoạch đô thị đã góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qui hoạch đô thị đã góp phần khai thác tốt hơn tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác qui hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Cụ thể, chất lượng các qui hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hóa, dẫn tới điều chỉnh qui hoạch nhiều lần, điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kĩ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư.

Việc giao đất, cho thuê đất thông qua phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất đấu giá quyền sử dụng đất có những trường hợp còn chưa tuân thủ quy trình và quy định của pháp luật, nhiều trường hợp chỉ định nhà đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Việc sử dụng quĩ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT chưa được qui định rõ ràng, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa bảo đảm công bằng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp và đời sống của người có đất thu hồi.

Ngoài ra, việc sử dụng đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, quản lí quĩ đất của doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhiều bất cập. Việc công khai, minh bạch thông tin trong qui hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị còn hạn chế, nhất là thông tin về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế, các công cụ để quản lí qui hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành…

Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013

Để khắc phục những hạn chế trên, Nghị quyết 82 cũng nêu ra một số nhiệm vụ và giải pháp.

Theo đó, Quốc hội cần xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật liên quan đến qui hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị để khắc phục các vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, qui hoạch đô thị và xây dựng.

Đồng thời, tăng cường giám sát đối với công tác qui hoạch, quản lí, sử dụng đất đai tại đô thị, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lí các tồn tại, hạn chế và vi phạm pháp luật.

Đối với Chính phủ, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định điều chỉnh lĩnh vực đất đai, qui hoạch đô thị; chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan hiện còn vướng mắc, bất cập.

Nghiên cứu làm rõ và có qui định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố thương mại (shophouse)...

Rà soát thực trạng, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lí, xử lí nghiêm việc người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật.

Đặc biệt, sớm ban hành Nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức BT…

Đối với Kiểm toán Nhà nước, cần tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến hoạt động qui hoạch, quản lí và sử dụng đất đai tại đô thị khi xây dựng chương trình kiểm toán hằng năm.

Liên quan đến việc sử dụng đất cho các dự án du lịch tâm linh, mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trườngTrần Hồng Hà vừa ký văn bản trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội liên quan đến việc cấp hàng ngàn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng... để DN xây chùa.

Theo đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đối với chùa Bái Đính (quy mô hơn 1.000 ha): Từ năm 2006 đến 2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi 518,3 ha đất (chiếm 51,5% so với quy hoạch được duyệt).

Số đất trên Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở VH-TT&DL) được giao 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An được giao 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn được giao 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.

"Việc giao đất như trên chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất)…" - bộ trưởng Bộ TN&MT nêu rõ.

Đối với chùa Tam Chúc (quy mô 1.205 ha), từ năm 2006 đến 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành bốn quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch để phát triển Khu du lịch Tam Chúc với tổng diện tích 815,1 ha.

"Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện "đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc" mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất…" - bộ trưởng Bộ TN&MT nêu.

Về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc (quy mô 19,9 ha), từ tháng 3-2016 đến tháng 7-2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định đồng ý chủ trương cho Công ty Xuân Trường thực hiện dự án Khu văn hóa tâm linh Hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa giao đất cho doanh nghiệp do hiện nay doanh nghiệp đang hoàn thiện thiết kế dự án theo quy hoạch được duyệt, chưa có hồ sơ xin thuê đất theo quy định.

Thu Hà