|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhật hoàng mới lên ngôi sẽ kích thích kinh tế Nhật Bản tăng trưởng

07:08 | 01/05/2019
Chia sẻ
Giáo sư Ryo Ikebe Đại học Senshu khẳng định rằng sự kiện này có thể sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Ngày 1/5, Hoàng Thái tử Naruhito sẽ chính thức lên ngôi Thiên Hoàng Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa). Dư luận Nhật Bản cho rằng việc này sẽ tạo ra một giá trị mới cho văn hóa cũng như nền kinh tế Nhật Bản. Giáo sư Ryo Ikebe Đại học Senshu khẳng định rằng sự kiện này có thể sẽ góp phần kích thích tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

Phóng viên VOV tại Tokyo, Nhật Bản xin giới thiệu quan điểm của Giáo sư thông qua bài phỏng vấn.

Nhật hoàng mới lên ngôi sẽ kích thích kinh tế Nhật Bản tăng trưởng - Ảnh 1.

Giáo sư Ryo Ikebe.

PV: Hoàng Thái Tử Naruhito chính thức lên ngôi từ ngày 1/5  với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa). Nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ tạo ra cú hích cho nền kinh tế Nhật Bản. Giáo sư có bình luận gì về ý kiến này?

Giáo sư Ikebe: Theo thông lệ ở Nhật Bản, nếu Nhật hoàng băng hà thì Nhật hoàng mới sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, lần này ở Nhật Bản, khi thời Bình Thành khép lại, Nhật hoàng Lệnh Hòa lên ngôi trong lúc Nhật hoàng Bình Thành (Nhật hoàng Akihito) vẫn khỏe mạnh. Do đó, người dân Nhật Bản vừa có thể hồi tưởng lại thời Bình Thành mà không phải phục tang, vừa có thể đón Triều đại mới với tâm trạng hồ hởi.

Các doanh nghiệp đã đưa ra những dịch vụ, sản phẩm chúc mừng niên hiệu mới, như vậy có thể kích thích sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong nội bộ các doanh nghiệp, Triều đại mới Lệnh Hòa cũng làm không khí hoạt động kinh doanh thêm phần sôi nổi.

PV: Theo Hiến pháp Nhật Bản, Nhật hoàng là “biểu tượng của Quốc gia và biểu tượng của hòa hợp dân tộc”. Theo Giáo sư, việc Nhật hoàng Akihito thoái vị và Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tình hình chính trị ở Nhật Bản?

Giáo sư Ikebe: Như tôi đã nói ở trên, tại Nhật Bản, chính trị và Nhật hoàng phải tách biệt. Do đó, Nhật hoàng mới lên ngôi chắc chắn sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến chính trị, đúng hơn là không được ảnh hưởng đến chính trị. Tôi nghĩ rằng Nhật hoàng Lệnh Hòa cũng sẽ có những hoạt động biểu tượng cho sự hòa hợp của người dân Nhật Bản. Đó là việc chào đón các vị khách nước ngoài, dự các hoạt động văn hóa, thăm hỏi những khu vực bị thiên tai thảm họa.

Việc Nhật hoàng Bình Thành thoái vị để nhường ngôi cho Nhật hoàng Lệnh Hòa là lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm qua của Nhật Bản. Đối với điều này, tôi cho rằng với vai trò là Nhật hoàng, các hoạt động mang tính biểu tượng là đi tới thăm các nước trên thế giới, đến tất cả các địa phương của Nhật Bản, tiếp đón các vị khách nước ngoài. Do vậy, nếu không có sức khỏe thì không thể duy trì được.

Ở thời đại mà trước khi quy định Nhật hoàng chỉ mang tính biểu tượng đã có những ngoại lệ. Nhật hoàng khi đó sẽ tại vị cho đến khi băng hà và kể cả khi không hoạt động cũng đóng nhiều vai trò. Tuy nhiên, từ khi quy định Nhật hoàng mang tính biểu tượng ra đời, tôi nghĩ rằng Nhật hoàng không chỉ tại vị mà còn phải có những hoạt động phù hợp với vai trò của mình.

PV: Theo Giáo sư, việc Hoàng Thái tử Naruhito lên ngôi có làm thay đổi chính sách đối ngoại của Nhật Bản? Với việc Hoàng Thái tử Naruhito đã từng đến thăm Việt Nam vào năm 2009, Giáo sư có nhận định như thế nào về quan hệ Việt-Nhật trong thời gian tới?

Giáo sư Ikebe: Như chúng ta đã biết, Nhật hoàng là biểu tượng của người dân Nhật Bản. Với chính trị, chúng ta cần phải có suy nghĩ tách biệt. Do đó, dù Nhật hoàng mới lên ngôi, ngoại giao hay chính trị của Nhật Bản sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào. Tuy nhiên, tôi mong muốn rằng Nhật hoàng Lệnh Hòa sẽ tiếp bước Nhật hoàng Bình Thành đi tới thăm các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc Nhật hoàng đã tới thăm Việt Nam sẽ tạo ra sự thân thuộc giữa nhân dân hai nước chúng ta.

Tôi hy vọng rằng đối với người dân Việt Nam, bằng cách chào đón Nhật hoàng mới Lệnh Hòa, đây là cơ hội để người dân hai nước cùng mở ra một thời đại mới, một Nhật Bản mới.

PV: Xin chân thành cảm ơn Giáo sư. 

Bùi Hùng

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.