|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhật Bản chi 7,13 tỷ USD hỗ trợ các nhà hàng bị ảnh hưởng của lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp

02:00 | 16/01/2021
Chia sẻ
Ngoài chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng đang thảo luận về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng gián tiếp.
Nhật Bản chi 7,13 tỷ USD hỗ trợ các nhà hàng bị ảnh hưởng của lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp - Ảnh 1.

Nhật Bản cũng đang thảo luận về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng gián tiếp. (Ảnh: Reuters).

Ngày 15/1, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi 740 tỷ yên (7,13 tỷ USD) từ ngân sách dự phòng năm 2020 để hỗ trợ các cửa hàng ăn uống tại 11 tỉnh, thành phố trong diện ban bố tình trạng khẩn cấp nếu đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh của chính quyền.

Theo đó, các cửa hàng ăn uống được hỗ trợ sẽ nhận tối đa 60.000 yên/ngày và mức hỗ trợ tối đa có thể nhận trong một tháng là 1,8 triệu yên. 

Kinh phí sẽ được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng năm 2020 của Chính phủ Nhật Bản lên đến 11.500 tỷ yên và hiện vẫn còn khoảng 6.400 tỷ yên chưa sử dụng đến.

Ngoài chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng đang thảo luận về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng gián tiếp. 

Theo đó, ngoài các doanh nghiệp trực tiếp giao dịch với các nhà hàng tại địa phương ban bố tình trạng khẩn cấp, các doanh nghiệp có doanh thu trong tháng 1/2021 hoặc tháng 2/2021 sụt giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước cũng có thể nhận được khoản hỗ trợ một lần áp dụng đối với doanh nghiệp là tối đa 400.000 yên và hộ kinh doanh tối đa 200.000 yên.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang ban bố tình trạng khẩn cấp tại 11 địa phương là: Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Kyoto, Hyogo, Aichi, Gifu, Osaka, Tochigi. 

Các cửa hàng ăn được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh đến 8 giờ tối, trong khi người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết sau 8 giờ. 

Quy mô kinh tế của các địa phương này ước tính chiếm khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, do đó, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp được cho là sẽ khiến doanh thu của các cửa hàng ăn uống sụt giảm nghiêm trọng và không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế vùng mà thậm chí cả nền kinh tế toàn Nhật Bản.


Đức Thịnh