|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi An Khang tự tin sẽ có lãi vào cuối năm, đứng top 3 thị trường bán lẻ dược phẩm cả về quy mô lẫn doanh thu

15:53 | 20/05/2022
Chia sẻ
Trong cuộc gặp gỡ cổ đông mới đây, người điều hành nhà thuốc An Khang, ông Đoàn Văn Hiểu Em đã chia sẻ kết quả chiến lược ưu tiên quy mô và thị phần thay vì lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc. Đồng thời, mục tiêu đứng đầu thị trường bán lẻ ngành dược trong tương lai.

 Nhà thuốc An Khang. (Ảnh: MWG).

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư chiều 19/5, Ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã có chia sẻ những định hướng mới dành cho chuỗi nhà thuốc An Khang. Theo báo cáo, chuỗi nhà thuốc An Khang có 250 nhà thuốc vào cuối tháng 4, trong đó có 41 điểm bán mới.

Doanh số lũy kế gấp 3,7 lần cùng kỳ. Doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc đã hoạt động tròn tháng là 700-800 triệu/tháng đối với mô hình độc lập và 400-500 triệu/tháng đối với mô hình bên cạnh cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX).

Dù mới bắt đầu hành trình với chuỗi nhà thuốc trong năm nay, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) và Thế Giới Di Động (TGDĐ) bày tỏ sự lạc quan với sự tăng trưởng của An Khang.

Nói về lịch sử của An Khang, ông Hiểu Em cho biết MWG mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang vào năm 2017, thời điểm cả hệ thống chỉ có 14 cửa hàng và đến cuối năm 2021, An Khang đã mở rộng lên con số 178 cửa hàng.

"Trong suốt giai đoạn từ 2017-2021, chúng tôi không dành quá nhiều sự tập trung cho An Khang do quá bận rộn với các chuỗi có quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, chúng tôi đã đánh giá lại thị trường ngành được và chiến lược trong năm 2022 dành cho An Khang.

Mọi người có thể thấy, sau quãng thời gian ngắn, chúng tôi đã hoàn thành mô hình chuẩn cho An Khang, tiến hành renew (làm mới lại - PV) các nhà thuốc cũ trong hệ thống, để tăng tốc độ phát triển", ông Hiểu Em giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư về chuỗi An Khang.

CEO TGDĐ chia sẻ trong tháng 4, An Khang đã mở thêm 41 nhà thuốc mới. Dự kiến trong tháng 5, An Khang sẽ có thêm 80 cửa hàng mới, nâng tổng số điểm bán lên con số 320. Công ty đặt mục tiêu trong thời gian tiếp theo, mỗi tháng sẽ mở mới 100 cửa hàng và đến trước 31/7, An Khang dự kiến sẽ có 500 cửa hàng. Đồng thời, MWG lên kế hoạch mở rộng quy mô An Khang lên 800 cửa hàng đến hết năm 2022.

Theo ông Hiểu Em, biên lợi nhuận gộp của An Khang đang ở mức 20%, song việc dồn tiền đầu tư tăng tốc mở rộng cửa hàng, xây dựng thương hiệu nhà thuốc đã "ngốn" rất nhiều tiền của chuỗi. Tuy vậy, CEO TGDĐ trấn an cổ đông rằng công ty sẽ có sự điều chỉnh lại khi An Khang đạt mục tiêu mở rộng quy mô, phục vụ việc kinh doanh có lời, tiến tới đạt điểm hòa vốn.

Mục tiêu mà MWG đặt ra đến 31/12 là An Khang sẽ có lãi. "Nếu tốc độ mở rộng như chúng tôi đang tiến hành hiện tại, công ty dự kiến đến năm 2023, An Khang sẽ có 2.000 cửa hàng, tự tin đứng số 1 thị trường về quy mô lẫn doanh thu", ông Đoàn Văn Hiểu Em nói về tham vọng với An Khang. 

Để đạt được con số doanh thu ấn tượng này, An Khang có rất nhiều thay đổi về mặt chiến lược cũng như định hình lại mô hình kinh doanh, thiết kế lại layout cửa hàng, cơ cấu danh mục sản phẩm,... Đầu tháng 6, An Khang sẽ ra mắt website mới nhằm phục vụ bán hàng online. 

Trước đó, tại ĐHCĐ MWG, ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nhận định An Khang sẽ tăng tốc như vũ bão trong năm nay và đến cuối năm có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu cũng như số lượng chuỗi cửa hàng.

Như đã nói, vấn đề mà An Khang chú trọng là gia tăng thị phần và số lượng cửa hàng thay vì lợi nhuận. Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho rằng khi đạt được những mục tiêu này thì việc chuyển hóa từ doanh thu sang lợi nhuận sẽ đến sớm.

Tại thời điểm cuối năm 2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang khoảng 340 - 350 triệu đồng. Đến quý I/2022, doanh số trung bình một cửa hàng trong tháng 3 tăng gần gấp đôi khoảng 650 triệu đồng/cửa hàng.

"Chúng tôi quan niệm với bán lẻ là cứ làm hết sức mình với những kế hoạch đề ra nhằm mục tiêu phục vụ trải nghiệm khách hàng", lãnh đạo TGDĐ cho biết.

Doanh Chính