|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhà sinh viên thành nhà xã hội: Lo quá tải hạ tầng

07:03 | 07/08/2017
Chia sẻ
Bộ Xây dựng vừa đồng ý với đề xuất của Hà Nội về việc chuyển đổi nhà ở sinh viên bỏ hoang tại Pháp Vân- Tứ Hiệp (Hoàng Mai) sang nhà ở xã hội. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo lắng, nếu không đảm bảo được hạ tầng, khu nhà ở này lại rơi vào tình trạng quá tải, vì nhu cầu sinh viên khác với các hộ gia đình.
nha sinh vien thanh nha xa hoi lo qua tai ha tang
Khối nhà xây thô bỏ hoang tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân- Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) đang được xin chuyển thành nhà ở xã hội. Ảnh: Như Ý.

Lãng phí cả nghìn tỷ

Mỗi lần xuống khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội), nhìn 2 khối nhà ở sinh viên A2, A3 xây thô bỏ hoang phơi sương, phơi nắng, không ít người dân cảm thấy ngậm ngùi. Hai khối nhà nằm trong Dự án Nhà ở sinh viên tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp bao gồm 6 đơn nguyên cao 19 tầng, một tầng hầm với tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. Dự án này nhằm cung cấp khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học phía Nam thành phố.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được khởi công từ tháng 9/2009. Theo thiết kế, khu này có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên. Tháng 1/2015, 3 tòa nhà cao tầng khang trang được đưa vào khai thác có khả năng đáp ứng nhu cầu ở của 1,1 vạn sinh viên. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đưa vào sử dụng, công suất khai thác của 3 tòa nhà A1, A5, A6 chỉ đạt gần 40% do những bất cập về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông. Ba tòa nhà sinh viên chưa vào ở hết, trong khi đó 2 tòa nhà cao tầng A2, A3 đã xây xong phần thô từ lâu nhưng chưa được hoàn thiện, “bỏ hoang” gây lãng phí trong thời gian dài.

Tìm hiểu ở nhà A1 của khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp trong những ngày này thấy hầu hết các phòng đều bỏ không, bàn ghế, giường tủ được trang bị phục vụ cho nhu cầu ở và học tập của học sinh, sinh viên nằm chỏng chơ, bám bụi. Mỗi tầng của nhà A1 thường bố trí 20 - 30 phòng ở có diện tích 45 - 56,9m2, nhưng đến nay sinh viên chỉ vào ở tại các tầng thấp, tầng cao của tòa nhà đang để hoang.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các tòa nhà sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là A1, A5, A6 đã được đưa vào khai thác. Tiến độ xây dựng đã bị chậm so với kế hoạch lên tới 3 năm do việc bố trí vốn bị chậm và không phù hợp về thời điểm. Dự án được lập và triển khai trong giai đoạn có biến động lớn về giá các vật liệu xây dựng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng thêm, từ gần 1.500 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng.

Phải xem lại hạ tầng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, một số dự án thu hút sinh viên không tốt trong khi quỹ nhà ở xã hội chưa được lớn. Bộ Xây dựng thống nhất có thể chuyển đổi nhưng đảm bảo dành cho nhiều đối tượng khác nhau: sinh viên, nhà ở xã hội kèm theo gia đình, cùng đó quá trình quy hoạch cũng phải xem xét lại vấn đề hạ tầng.

Nhận xét về đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội của Sở xây dựng Hà Nội, ông Bùi Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng tới đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Theo ông Tiến, dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp xây thô nhưng chưa thể hoàn thiện và lượng học sinh, sinh viên đến ở không nhiều là chưa thành công. Vì vậy, chuyển đổi từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là ý tưởng đúng. “Một trong những việc cần làm sớm là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nhà A2, A3 đáp ứng tốt công năng của nhà ở xã hội bởi nhà ở xã hội dành cho các hộ gia đình có con cái nên cần trường học, bệnh viện, siêu thị. Nếu không làm được điều này sẽ phá vỡ hạ tầng nếu cứ đưa cư dân vào ở”, ông Tiến nói.

Mới đây, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng đã trực tiếp xuống kiểm tra dự án. Theo đó, dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có 6 khối nhà, 2 khối đã xây xong phần thô, 1 khối chưa giải phóng mặt bằng và 3 khối đã đưa vào sử dụng nhưng thưa thớt sinh viên đến ở. TP Hà Nội cũng có báo cáo về việc đang gặp khó khăn về vốn và xin Thủ tướng chuyển đổi sang nhà ở xã hội.

“Bộ Xây dựng có ý kiến, nếu thành phố muốn chuyển đổi sang nhà ở xã hội phải thực hiện thanh quyết toán, hoàn vốn theo đúng quy định. Khi hoàn vốn xong rồi, thực hiện phải đấu thầu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội”, ông Ninh nói.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội rất lớn. Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội năm 2015 chỉ đạt 361.443m2 trên tổng số 811.936m2 kế hoạch. Phần diện tích còn thiếu phải chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Việc chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 là hoàn toàn phù hợp.

Ngọc Mai