|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi Thung lũng Silicon

20:45 | 13/01/2019
Chia sẻ
Chính sách mới của Chính phủ Mỹ nhằm hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc (TQ) vào sáng tạo công nghệ đã gần như chặn đứng dòng vốn đầu tư của TQ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ, hãng tin Reuters cho biết.
nha dau tu trung quoc rut khoi thung lung silicon
Trụ sở chi nhánh Công ty đầu tư Trung Quan Thôn (Zhongguancun - ZDG), một quỹ đầu tư của chính quyền thành phố Bắc Kinh tại thành phố Santa Clara trong Thung lũng Silicon. Ảnh: Reuters

Vốn đầu tư TQ chỉ còn nhỏ giọt

Theo số liệu của Rhodium Group, công ty nghiên cứu kinh tế tại New York, vốn đầu tư mạo hiểm của TQ đổ vào các công ty khởi nghiệp Mỹ đạt kỷ lục 3 tỉ đô la trong năm ngoái, do các nhà đầu tư và công ty công nghệ nỗ lực hoàn tất thỏa thuận trước khi một cơ chế điều hành mới được phê chuẩn và ban hành hồi tháng Tám. Và kể từ đó, dòng vốn đầu tư này chỉ còn nhỏ giọt. Reuters đã phỏng vấn hơn 35 nhà công nghiệp và ghi nhận như vậy.

“Các hợp đồng liên quan tới công ty TQ, người mua TQ và nhà đầu tư TQ đã gần như ngừng hẳn”, luật sư Nell O’Donnell, đại diện các công ty công nghệ Mỹ trong giao dịch với người mua nước ngoài, cho biết. Các luật sư nói chuyện với Reuters cũng khẳng định họ đang hối hả soạn thảo lại các điều khoản hợp đồng để bảo đảm dự án đầu tư sẽ được Washington phê chuẩn. Các nhà đầu tư TQ, bao gồm các công ty gia đình lớn, đã rút lui khỏi các thương vụ và ngừng gặp gỡ tiếp xúc với các công ty khởi nghiệp Mỹ. Trong khi đó một số doanh nhân lại tránh dòng tiền TQ vì lo ngại những cuộc xem xét kéo dài của chính phủ làm họ hao tổn nguồn lực và động lực trong một lĩnh vực mà tốc độ tham gia thị trường là then chốt.

Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (bang California, Mỹ) nói với Reuters rằng ông biết có ít nhất mười hợp đồng, trong đó vài hợp đồng liên quan tới các công ty trong danh mục đầu tư của ông, đã đổ vỡ vì chúng cần được sự phê chuẩn của một cơ quan liên ngành của chính phủ có tên là Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS).

CFIUS có nhiệm vụ xem xét các dự án đầu tư nước ngoài về các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn và rủi ro cạnh tranh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành một quy định mới, mở rộng khả năng của CFIUS trong việc ngăn chặn vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty Mỹ không phân biệt quốc gia xuất xứ của nhà đầu tư. Quy định mới cho phép CFIUS xem xét những hoạt động đầu tư trước đây nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan này, chẳng hạn như việc người nước ngoài góp vốn hoặc mua cổ phần của các công ty khởi nghiệp của Mỹ.

Đây là một sự thay đổi có tính triệt để đối với Thung lũng Silicon. Trong lịch sử, tiền bạc đổ vào đây từ khắp thế giới, kể cả từ các đối thủ địa chính trị của Mỹ như TQ và Nga mà hầu như không bị Chính phủ Mỹ ngăn cản bằng các thủ tục xem xét hoặc kiểm soát. “Đây là sự thay đổi mang tính giai đoạn trong cách thức chúng tôi nhìn nhận đầu tư nước ngoài” luật sư Reid Whitten của hãng luật Sheppard Mullin, nhận xét. Trong số sáu dự án mà ông Whitten tư vấn gần đây để được CFIUS phê duyệt, chỉ có hai dự án tiếp tục theo đuổi, bốn dự án khác đã rút lui hoặc đang cân nhắc có nên tiếp tục hay không.

TQ là trung tâm chú ý

Tuy nhiên, ông Trump đã đặc biệt kêu gọi ngăn chặn việc TQ nắm lấy các công nghệ chiến lược của Mỹ.

TQ là nhà đầu tư hăng hái đổ tiền vào các công nghệ được cho là thiết yếu đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu và năng lực quân sự của họ. Đến nay, nhà đầu tư TQ đã mua cổ phần của các công ty chia sẻ xe hơi Uber và Lyft, cũng như các công ty có những công nghệ nhạy cảm hơn như công ty mạng trung tâm dữ liệu Barefoot Networks, công ty khởi nghiệp về xe hơi tự lái Zoox và công ty khởi nghiệp nhận diện giọng nói AISense.

Hãng nghiên cứu Rhodium tính toán, bình quân có 21% vốn đầu tư mạo hiểm của TQ ở Mỹ trong giai đoạn năm 2000-2017 đến từ các tập đoàn, quỹ đầu tư của nhà nước TQ. Trong năm 2018, tỷ lệ này tăng lên tới 41%. Có những quỹ đầu tư được lập ra và hoạt động ở Thung lũng Silicon nhưng hầu hết nguồn vốn đến từ chính phủ TQ, mà Quỹ Danhua Capital của giáo sư Trương Thủ Thành (Zhang Shoucheng) - người vừa tự sát ở Stanford là một ví dụ.

Sự khan hiếm nguồn vốn từ TQ không có khả năng báo hiệu “ngày tận thế” của Thung lũng Silicon. Theo nhà cung cấp dữ liệu PitchBook Inc. trong ba quí đầu năm ngoái, các nhà đầu tư khắp thế giới đã đổ hơn 84 tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp Mỹ, vượt quá số vốn đầu tư cả năm của các năm trước. Tuy nhiên, nguồn vốn TQ lại cần thiết để giúp các công ty Mỹ tiếp cận thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; việc từ chối nguồn vốn này có thể khiến kế hoạch mở rộng ra nước ngoài của các công ty khởi nghiệp trở nên khó khăn hơn.

Sự sút giảm đầu tư từ TQ diễn ra giữa lúc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ leo thang. Ông Trump đã nhiều lần lên án TQ về thặng dư thương mại và các chiến lược dối trá nhằm thủ đắc các công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ. Ngoài việc tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa TQ, ông Trump đang xem xét ban hành một sắc lệnh hành pháp cấm các công ty Mỹ sử dụng linh kiện, thiết bị viễn thông do các tập đoàn Huawei và ZTE của TQ sản xuất mà Chính phủ Mỹ tố cáo là có thể dùng để do thám.

Cây gậy mới của ông Trump

Theo Reuters, CFIUS là cây gậy mới và mạnh mẽ mà ông Trump sử dụng để đối phó với TQ. Ủy ban này có đại diện của tám cơ quan chính phủ, kể cả Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và An ninh nội địa. Báo cáo hàng năm của CFIUS cho biết từ năm 2013-2015, CFIUS đã xem xét 74 hồ sơ của nhà đầu tư TQ, nhiều hơn bất cứ lúc nào. Theo luật, Tổng thống D.Trump có quyền phủ quyết quyết định của CFIUS, nhưng chỉ cần CFIUS lắc đầu thì số phận của một dự án đầu tư coi như kết thúc. Hồi đầu năm ngoái, CFIUS đã ngăn cản một thương vụ trị giá 117 tỉ đô la mà hãng Broadcom có trụ sở tại Singapore đưa ra để thâu tóm hãng Qualcomm của Mỹ vì cho rằng vụ thâu tóm này sẽ làm suy yếu khả năng của Mỹ trong cuộc đua phát triển công nghệ viễn thông di động thế hệ mới.

Vào tháng 11-2018, CFIUS đưa ra một chương trình thí điểm, bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thông báo cho ủy ban bất kỳ dự án đầu tư, sáp nhập hoặc góp vốn nào vào các “công nghệ then chốt”, bao gồm các công nghệ trí tuệ nhân tạo, hậu cần logistics, người máy robotics và phân tích dữ liệu - những công nghệ thế mạnh của Thung lũng Silicon. Hãng nghiên cứu Rhodium dự báo, theo quy định mới, sẽ có đến ba phần tư số vốn đầu tư của TQ rơi vào tầm xem xét của CFIUS, và chừng đó là đủ để nhà đầu tư TQ phải cân nhắc quyết định của mình.

Một số chuyên gia an ninh hoan nghênh cái mà họ gọi là biện pháp bảo vệ các công ty khởi nghiệp Mỹ vốn đã bị trì hoãn quá lâu. “Điều chúng tôi quan tâm là một số tay chơi xấu tỏ ra rất khôn ngoan tìm cách tiếp cận tài sản trí tuệ của chúng tôi”, Bob Ackerman, người sáng lập AllegisCyber, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại San Francisco và hậu thuẫn cho các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực an ninh mạng, nhận xét.

Tuy nhiên cũng có nhiều người lo ngại rằng Washington đã tung một tấm lưới quá rộng để đối phó với Bắc Kinh và có nhiều doanh nghiệp “vô tội” sẽ bị vướng vào cuộc tranh chấp giữa hai nước. “CFIUS không giết chết chúng tôi, nhưng nó cản trở nhiều công ty khởi nghiệp, phần lớn lại là công ty của người Mỹ”, Peter Kuo - chủ Công ty Silicon Valley Global, chuyên kết nối các nhà đầu tư TQ với công ty khởi nghiệp tại thung lũng này, nói. Kuo cho biết thêm trong năm 2018, không có nhà đầu tư TQ nào mua cổ phần trong các doanh nghiệp mà công ty ông mời chào đến họ.

Thái Bình