|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà đầu tư thông tin về nội dung kiểm toán dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn

20:21 | 22/07/2021
Chia sẻ
Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn vừa phát đi thông tin về việc dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn còn nhiều tồn tại sau kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước mới được công bố.

Theo đó, đại diện nhà đầu tư cho biết, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn được khởi công từ tháng 7/2015, giai đoạn đó thuộc quản lý điều hành của nhà đầu tư cũ (đứng đầu là Công ty cổ phần Đầu tư UDIC). 

Sau đó, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư UDIC bị cơ quan điều tra bắt giữ vì tội tổ chức đánh bạc trong đại án đánh bạc qua mạng.

Không lâu sau khi khởi công, dự án dừng thi công do nhà đầu tư cũ không đảm bảo năng lực và vướng mắc vào vụ án hình sự. Đến tháng 6/2017, Tập đoàn Đèo Cả được mời vào tiếp nhận và "giải cứu" dự án. Khi đó, khối lượng công việc của dự án mới chỉ triển khai được khoảng 13% giá trị hợp phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (hợp phần cao tốc chưa triển khai).

Sau khi tham gia dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, hợp phần tăng cường Quốc lộ 1 (chiều dài 110km) đã hoàn thành vào tháng 3/2018; hợp phần cao tốc (chiều dài 64,56km) đã hoàn thành và thông xe kỹ thuật cuối năm 2019, đưa vào vận hành khai thác chính thức từ tháng 1/2020.

Nhà đầu tư thông tin về nội dung kiểm toán dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT tại Km 93+160 (tại Lạng Sơn). (Ảnh: TTXVN).

Trong quá trình tiếp nhận và thực hiện dự án, nhà đầu tư đã chủ động đề xuất mời Kiểm toán Nhà nước vào làm việc để soát xét, đánh giá lại và kịp thời điều chỉnh những tồn tại trước đây.

Qua 5 đợt Kiểm toán Nhà nước thực hiện tại dự án, tất cả những tồn tại do nhà đầu tư cũ để lại cũng như các vướng mắc trong quá trình triển khai đã được Tập đoàn Đèo Cả cùng các cơ quan chức năng nỗ lực tháo gỡ và đã báo cáo kết quả cụ thể gửi Kiểm toán Nhà nước (qua các văn bản số 160/BC-BOT BGLS ngày 25/3/2021 và 321/BC-BOT BGLS ngày 11/6/2021).

Theo đại diện nhà đầu tư, từ khi đưa vào vận hành, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn góp phần phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, đẩy mạnh thông thương giữa các tỉnh trong vùng, kết nối thuận lợi tới các cửa khẩu phía Bắc.

Đồng thời, thông qua việc "giải cứu" thành công dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tín nhiệm giao nhiệm vụ quản trị, điều hành dự án. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được thông tuyến trong năm 2020 và sẽ hoàn thành trong năm 2021 sau hơn 10 năm bị đình trệ.

Trước đó, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin báo cáo tổng hợp kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT giao thông.

Theo các thông tin đăng tải, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT; trong đó có dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

Cụ thể, tại dự án này, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, chi phí thường xuyên của dự án đã tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng. Cùng với đó, tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính; chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh.

Cũng tại dự án cao tốc này, kiểm toán cho rằng, khi dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi, ảnh hưởng đến tính khả thi dự án, nhưng các bên chưa xem xét, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Mặc dù đã đưa dự án vào vận hành, nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng…

Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170km (Tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng), gồm hai hợp phần: Xây dựng 64km đường cao tốc đoạn Km45+100 - Km108+500 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 (dài 105km). 

Dự án có tổng mức đầu tư 12.189 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT. Dự án sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian từ Hà Nội - Lạng Sơn từ 3,5 xuống còn 2,5 tiếng.

Quang Toàn