Nguyên Thống đốc NHNN: Khoanh nợ là giải pháp căn cơ giúp kinh tế khu vực thiệt hại do bão Damrey sớm phục hồi
Bão số 12 (bão Damrey) đã gây thiệt hại lớn cho các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, đặc biệt là Khánh Hòa và Phú Yên. Chỉ riêng Khánh Hòa ước tính thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng.
Thiệt hại sau bão Damrey tại Khánh Hòa. (Ảnh: Tuệ An). |
Chi nhánh NHNN Khánh Hòa, cho biết tình hình các đối tượng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) chưa bao gồm chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội, thiệt hại đã lên đến trên 7.550 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng thuộc Nghị định 55 (về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn) có trên 5.000 khách hàng bị thiệt hại khoảng 589 tỷ đồng, dư nợ vay 1.192 tỷ đồng.
Các đối tượng ngoài Nghị định 55 có trên 1.100 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ vay 6.364 tỷ đồng (vốn vay NH vẫn chưa thể xác định cụ thể). Ở nhóm này, DN là đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất với dư nợ lên đến 4.500 tỷ đồng (188 DN).
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trước mắt chi nhánh đã yêu cần các TCTD trên địa bàn rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN đã được quy định trong cơ chế xử lý nợ bị rủi ro; phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ.
“Tôi cho rằng cần phải khoanh nợ chứ giãn nợ, giảm lãi… thì rất khó để hỗ trợ người dân và DN. Họ đã mất hết cơ sở sản xuất thì có giãn nợ cũng không thể bắt đầu lại để trả nợ?”, ông Chiểu nhận định.
TS Cao Sỹ Kiêm. |
Cùng quan điểm với ông Chiểu, TS Kinh tế Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam cho rằng, giải pháp căn cơ để giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi sau bão Damrey là khoanh nợ và cho vay mới.
“Việc khoanh nợ giúp DN có thời gian dài không trả nợ, trả lãi để DN phát triển trở lại. Nếu giãn nợ nhiều chỉ được khoảng 3 năm, ngắn chỉ một vụ mùa. Trong bối cảnh hiện nay và thời gian như vậy, DN hay các hộ kinh doanh khó lòng phục hồi. Hơn hết là khả năng phục hồi nhanh của địa phương sẽ gặp nhiều trở ngại, hạn chế. Khoanh nợ sẽ giúp DN và cá nhân yên tâm kinh doanh, sản xuất, phục hồi sau thiệt hại”, nguyên Thống đốc NHNN chia sẻ.
Theo TS Kiêm, việc khoanh nợ sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng, lãi có thế giảm và lỗ sẽ tăng thêm nhưng thiệt hại bởi thiên tai thì cả DN, cá nhân và ngân hàng cũng phải chịu nên ngân hàng không thể đùn đẩy hết cho khách hàng. Mặt khác, trong kinh doanh ngân hàng cũng đã tính đến rủi ro, nhất là rủi ro bất khả kháng do thiên tai nên các ngân hàng cũng có dự trữ một khoản để bù cho những rủi ro dạng này.
“Nếu ngân hàng không cương quyết không khoanh nợ sẽ làm nền kinh tế khu vực bị ảnh hưởng bão Damrey khó phục hồi, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Tuy nhiên, thiệt hại do bão lũ là thiệt hại rõ ràng, do đó nếu ngân hàng nào không thực hiện theo các chủ chương chung chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng, NHNN vào cuộc để đảm bảo công bằng quyền lợi của người dân. Vì DN hay cá nhân vay vốn đều là những người có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng thuế cho Nhà nước nên khi bị thiên tại họ cần được hỗ trợ ngược lại, Nhà nước phải có trách nhiệm với họ”, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết.
Nhận định về vấn đề trên Chuyên gia Kinh tế TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, cần khoanh nợ và cho họ vay mới để tái đầu tư kinh doanh, sản xuất. “Theo thống kê bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề có thể ở mức âm 4% GDP, nếu các ngân hàng không khoanh nợ cho khách hàng chắc chắn con số thiệt hại sẽ còn ở mức cao hơn. DN gặp khó khăn không tái kinh doanh, sản xuất. Nhà nước sẽ không thu được thuế, bên cạnh đó là hàng trăm nghìn công nhân không có công ăn việc làm sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác”.