Nguồn cung thịt tại Mỹ khan hiếm do chuỗi cung đứt gãy vì COVID-19
Trong tuần qua, Tyson Foods đã phải đóng cửa ba nhà máy giết mổ và chỉ mở cửa cầm chừng nhà máy thứ tư, trong điều kiện phải làm thủ tục xét nghiệm COVID-19 cho người lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, ngành chế biến thịt lợn và thịt bò của Mỹ hiện mất đi lần lượt 33% và 14% năng lực sản xuất, do dịch bệnh COVID-19 quét qua các bang tập trung các cơ sở giết mổ, đóng gói.
John Tyson, Chủ tịch Tyson Foods, cho biết các cửa hàng tại Mỹ sẽ lâm vào tình cảnh khan hiếm thịt cho đến khi các nhà máy trong chuỗi cung ứng của tập đoàn nối lại sản xuất. “Khi các trang trại nuôi lợn, bò và gà buộc phải đóng cửa, dù chỉ trong một thời gian ngắn, sẽ có đến hàng triệu kilogam thịt bị ngắt khỏi chuỗi cung”, ông Tyson viết trong bức thư được đăng tải trên ba tờ báo lớn tại Mỹ hôm 27/4.
Tại các siêu thị, nguồn thịt trước đây đôi khi cũng cạn kiệt khi người tiêu dùng đổ xô đi mua tích trữ như thời điểm trước khi chính quyền ra quyết định đóng cửa trong tháng 3, nhưng hiện nay nguồn cung ở mức ổn định. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, ngành chăn nuôi nước này trong tháng 3 vừa qua đã tạo ra 2,7 triệu tấn thịt đỏ, tăng 13% so với cùng kì năm ngoái.
Nhưng quy mô hoạt động giết mổ đã thu hẹp lại khi các nhà máy giết mổ đóng cửa, hoặc giảm công xuất hoạt động vì số nhân công bị mắc hoặc đi xét nghiệm COVID-19. Trong ngày 24/5, các xưởng đóng gói đã giết mổ 83.000 con bò, giảm một nửa so với mức 114.00 con, cùng với đó là 361.000 con lợn, giảm so với mức 449.000 con cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Tyson trong tuần trước đã phải đóng cửa hai nhà máy giết mổ, đóng gói tại Logansport, bang Indiana và Waterloo, bang Iowa – có công suất giết mổ lên đến 35.000 con lợn/ngày. Tập đoàn cũng phải đóng cửa một nhà máy giết mổ bò tại Pasco, bang Washington, khi có tới 1.400 nhân viên tại đây đi làm thủ tục xét nghiệm COVID-19.
Các nông trại chăn nuôi gia súc tập trung chủ yếu ở “vòng cung thịt gà” kéo từ Arkansas tới Carolina không chịu nhiều tác động từ dịch bệnh. Nhưng nhiều chủ trang trại vốn trước chỉ quen mối tiêu thụ qua nhà hàng giờ đã phải treo biển bán hàng giảm giá. Tại miền Trung Tây, người nông dân hiện không thể bán lợn cho các cơ sở giết mổ, đóng cửa đóng gói bị đóng cửa.
Ông Tyson cho biết hàng triệu con gà, lợn và bò sẽ không thể đưa ra lưu thông trên thị trường vì việc đóng cửa các cơ sở chế biến. Chuỗi cung thịt đang đổ vỡ.
Tập đoàn của ông đã cam kết sẽ chạy chương trình “Cảm ơn” trị giá 60 triệu USD để tri ân 116.000 nhân viên, lái xe tải của công ty vì những đóng góp của họ trong thời gian dịch bùng phát.
Theo Robert Moskow, chuyên gia phân tích tại tập đoàn Credit Suisse, Tyson Foods cần phải bỏ ra khoản tiền 300 triệu USD nữa cho chi phí lao động bổ sung trong trường hợp dịch bệnh tấn công các cơ sở giết mổ, chăn nuôi của tập đoàn.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nước này hiện có 2.700 cơ sở giết mổ, trong đó có 800 cơ sở được kiểm dịch ở cấp liên bang. Dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến ngành chăn nuôi, chế biến thịt của Mỹ, với ít nhất 73 nhà máy đóng gói, chế biến được xác định có công nhân mắc COVID-19.
Các nhà máy chế biến thịt lợn là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất. Ba trung tâm giết mổ, chế biến thịt lợn lớn nhất tại Mỹ đã buộc phải đóng cửa, gồm một cơ sở thuộc công ty Smithfield Foods ở Sioux Falls, bang South Dakota, một nhà máy chế biến thịt lợn JBS ở Worthington bang Minnesota và nhà máy của Tyson Fresh Foods ở Waterloo, bang Iowa. Tính tổng, ba nhà máy này chiếm khoảng 15% nguồn cung thịt lợn tại Mỹ.