Người sáng lập Huawei thà giải thể công ty chứ không làm gián điệp
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Huawei, ông Nhậm Chính Phi, vẫn im lặng trước công chúng dù công ty phải gánh chịu một năm 2018 biến động, trong đó có các lệnh cấm và cảnh báo đối với sản phẩm của công ty tại Mỹ, Anh, Australia và New Zealand.
Ông thậm chí vẫn giữ im lặng khi con gái ông, giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt giữ tại Canada.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi một giám đốc điều hành Huawei bị bắt giữ ở Ba Lan vì cáo buộc gián điệp, ông Nhậm đã phá vỡ sự im lặng, bảo vệ công ty và ca ngợi Tổng thống Donald Trump trong một buổi phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông nước ngoài.
Bản sao cuộc thảo luận dài 13 trang được dịch bởi Huawei làm sáng tỏ thêm về vị tỉ phú ẩn dật.
Ông Nhậm Chính Phi |
Ông Nhậm muốn học tập Apple và Steve Jobs
Chính phủ Mỹ và các nước phương Tây khác đã cảnh giác với Huawei trong nhiều năm, lo ngại rằng công ty có thể bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
Khi phóng viên hỏi Huawei sẽ phản ứng như thế nào nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu thông tin về một quốc gia nước ngoài, ông Nhậm chỉ ra Apple như một ví dụ hàng đầu.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến lợi ích của khách hàng. Apple là một ví dụ mà chúng tôi hướng đến trong vấn đề bảo vệ quyền riêng tư. Chúng tôi sẽ học hỏi Apple”, ông nói.
Năm 2016, Apple đã từ chối giúp FBI xâm nhập vào iPhone của một trong những kẻ bắn súng ở San Bernardino, California và cho rằng chỉ thị này là “hành động vi phạm luật”. Sau đó, FBI đã phải mua công cụ bẻ khóa từ bên thứ ba để xâm nhập vào chiếc iPhone.
Huawei đã nhiều lần bác bỏ lo ngại rằng các sản phẩm của công ty gây rủi ro an ninh quốc gia và giữ vững quan điểm rằng công ty hoàn toàn thuộc sở hữu của nhân viên.
Ông Nhậm cho biết cá nhân ông sở hữu 1,14% cổ phần của Huawei, nhưng khẳng định ông có thể sẽ học hỏi cựu CEO của Apple, ông Steve Jobs, trong việc cắt giảm cổ phần của bản thân. Nhiều nguồn tin cho biết ông Jobs đã bán hết cổ phần của ông tại Apple sau khi ông bị buộc phải rời khỏi công ty vào những năm 80 và một lần nữa vào những năm 90, khi ông mất niềm tin vào định hướng của công ty.
“Cổ phần mà Steve Jobs có ở Apple là 0,58%. Điều này đồng nghĩa rằng cổ phần của tôi vẫn có khả năng tiếp tục giảm. Tôi nên học hỏi Steve Jobs”, ông nói.
Sẵn sàng giải thể Huawei chứ không làm gián điệp
Ông Nhậm đã dành nhiều năm xây dựng Huawei thành một công ty điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông toàn cầu trị giá hàng tỉ USD. Tuy nhiên, ông nói rằng nếu ai đó yêu cầu ông làm gián điệp thì ông thà giải thể tập đoàn chứ quyết không làm theo ý họ.
Ảnh minh họa |
“Chúng tôi chắn chắc sẽ từ chối yêu cầu như thế,” ông Nhậm nói. “Chúng tôi thà đóng cửa Huawei thay vì làm ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng”.
Không gần gũi với ba người con
Con gái của ông Nhậm rơi vào giữa cơn bão ngoại giao khi bà bị bắt ở Canada theo yêu cầu của chính quyền Mỹ hồi tháng 12/2018 vì Washington nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt với Iran. Bà Mạnh đã tại ngoại và bị quản thúc tại Vancouver, nơi bà phải hầu tòa lần nữa ngày 6/2.
Mặc dù ông Nhậm nhớ con gái rất nhiều, ông vẫn mơ hồ về mối quan hệ với con gái. “Đó là một mối quan hệ gần gũi ở một số khía cạnh và xa lạ ở một số khía cạnh khác”, ông nói. “Trong suốt thời thơ ấu của con gái, tôi đã ở trong quân đội. Mỗi năm tôi vắng nhà 11 tháng và dành tháng còn lại cho gia đình. Mối liên hệ giữa chúng tôi khi con còn nhỏ và khi thiếu thời không sâu đậm”.
Trong những năm sau đó, ông nói, ông đã chiến đấu vì sự sống còn của Huawei và thường xuyên làm việc 16 tiếng một ngày. Ông thừa nhận rằng bản thân ông không gần gũi với bất kì người con nào và cảm thấy mắc nợ họ.
Muốn sống bất tử
Khi được hỏi khi nào sẽ nghỉ hưu, ông Nhậm, 74 tuổi, đã hài hước nói rằng, “Thời điểm tôi nghỉ hưu sẽ phụ thuộc vào lúc Google có thể phát minh ra loại thuốc mới cho phép người ta sống bất tử. Tôi đang đợi loại thuốc đó”.
Công ty mẹ của Google, Alphabet, và nhiều công ty khác tại Thung lũng Silicon đang nỗ lực nghiên cứu nhằm tạo ra thuốc bất tử.
Dường như ông Nhậm sẽ điều hành Huawei trong một thời gian nữa.
Nhấn mạnh cam kết của công ty với khách hàng, ông kể về một chuyến viếng thăm đến ngôi làng xa xôi, hẻo lánh gần đỉnh Everest. “Tôi nói với mọi người rằng nếu tôi sợ chết, làm sao tôi có thể thúc đẩy họ tiến về phía trước?”
Xem thêm |