|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Người lao động sẽ nhận mức lương cao nhất hơn 33 triệu đồng/tháng?

12:40 | 29/01/2020
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương - cho biết: Mức lương mới sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2021. Theo bảng lương được xây dựng, lương tối thiểu thấp nhất là hơn 4,1 triệu đồng/tháng và cao nhất lên tới hơn 33 triệu đồng/tháng.

- Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, việc chi trả, phân phối tiền lương cho cán bộ, công chức từ năm 2021 sẽ căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc được giao, “xóa sổ” tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”?

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việc thực hiện mức lương mới từ năm 2021 sẽ có tác động tích cực tới việc đánh giá cán bộ. Phải thực hiện nghiêm túc việc đưa ra khỏi nền công vụ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, việc thực hiện các quy chế dân chủ ở cơ sở, việc sửa đổi Luật cán bộ công chức, Luật viên chức sẽ là đòn bẩy để đánh giá đúng cán bộ, khắc phục hiệu quả tình trạng này.

Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đã có chủ trương ngoài tiền lương và phụ cấp, ngân sách nhà nước còn bố trí Quỹ tiền thưởng (bằng 10% tổng quỹ lương) để người đứng đầu chi trả, phân phối cho cán bộ, công chức căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc được giao. Điều này sẽ giúp cho việc phân loại, đánh giá cán bộ công chức sát thực hơn và có động lực hơn cho mọi người phấn đấu.

Người lao động sẽ nhận mức lương cao nhất hơn 33 triệu đồng/tháng? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

- Với việc cải cách chính sách tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức sẽ nhận mức lương thấp nhất là hơn 4,1 triệu đồng/tháng và cao nhất có thể lên đến hơn 33 triệu đồng/tháng. Tính toán này có khả thi không, thưa Phó Thủ tướng?

- Nghị quyết số 27-NQ/TW đưa ra thiết kế bảng lương như sau: Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.

Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu vùng bình quân của khu vực doanh nghiệp từ ngày 01/01/2020 là 3.710.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu vùng dự kiến từ ngày 01/01/2021 tăng thêm 5,5%/năm (bằng mức tăng của năm 2020) thì mức lương thấp nhất của người có trình độ đào tạo (cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng) năm 2021 là 3.710.000 đồng/tháng x 1,055 x 1,07 = 4.188.000 đồng/tháng.

Người lao động sẽ nhận mức lương cao nhất hơn 33 triệu đồng/tháng? - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chính sách tiền lương mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Mức tiền lương cơ bản trong bảng lương mới sẽ được thiết kế theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước có so sánh với khu vực doanh nghiệp, phấn đấu tạo nguồn để có thể vừa tăng lương vừa mở rộng quan hệ tiền lương để thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức có mức tăng tương xứng.

- Trong năm 2020, Chính phủ sẽ xúc tiến những công việc gì để mục tiêu cải cách tiền lương thực hiện đúng lộ trình, thưa Phó Thủ tướng?

- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện, theo đó Chính phủ đã phân công các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào 4 nhiệm vụ như sau:

Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương; Đẩy nhanh sắp xếp, bố trí lại, tinh giản biên chế và quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương; Xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về việc triển khai xây dựng và thực hiện chế độ tiền lương mới.

Trong các giải pháp trên, tôi nhấn mạnh lại rằng việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập không phải là cắt giảm lao động mà là giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, trên cơ sở sự tinh gọn của cơ quan hành chính và phát huy sự năng động, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Người lao động sẽ nhận mức lương cao nhất hơn 33 triệu đồng/tháng? - Ảnh 3.

"Tôi kỳ vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động"

- Là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng kỳ vọng như thế nào về chính sách tiền lương mới sắp áp dụng?

- Tôi kì vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.

Chính sách tiền lương mới sẽ góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lí nhà nước và quản trị doanh nghiệp.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Châu Như Quỳnh