|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngư dân lao đao vì bảo hiểm

08:05 | 11/12/2019
Chia sẻ
Do không mua được bảo hiểm, hàng loạt tàu cá ở miền Trung phải nằm bờ trong thời gian dài. Nhiều tàu mua bảo hiểm nhưng khi gặp rủi ro lại bị bảo hiểm từ chối.

UBND tỉnh Bình Định vừa họp bàn giải pháp giải quyết những vướng mắc về bảo hiểm tàu cá được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67. 

Tỉnh này hiện có 61 tàu cá thuộc diện này, trong đó 48 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 5 tàu vỏ gỗ với tổng dư nợ 933 tỉ đồng.

Chỉ tạm dừng để đánh giá?

Từ giữa tháng 8 đến nay, do Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO) ngưng bán bảo hiểm nên nhiều tàu cá của Bình Định phải nằm bờ, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân lao đao vì bảo hiểm - Ảnh 1.

Tàu cá của ông Trần Công Khanh bị hỏa hoạn thiêu rụi nhưng bảo hiểm từ chối bồi thường Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ông Lê Văn Thãi (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016 TS, cho biết tàu này đóng mới gần 19 tỉ đồng, hạ thủy giữa năm 2016. Ngay chuyến biển đầu tiên, tàu bị hư hầm lạnh, phải quay về sớm nên lỗ 200 triệu đồng. 

Giữa năm nay, khi tàu sửa chữa ổn định, PJICO Bình Định bất ngờ ngừng bán bảo hiểm nên tàu tiếp tục nằm bờ. Ngoài tàu ông Thãi, tại cảng cá Đề Gi còn có 4 tàu cá vỏ thép của ngư dân xã Cát Khánh cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO, khẳng định đến thời điểm này, đơn vị không có chỉ đạo dừng bán bảo hiểm tàu cá mà chỉ tạm dừng để đánh giá lại, bởi tại Bình Định có nhiều tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 bị chìm khiến đơn vị tổn thất nặng.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho rằng giữa ngư dân, ngân hàng và công ty bảo hiểm cần có tiếng nói chung để sớm tháo gỡ những vướng mắc.

"Đề nghị PJICO khẩn trương xác định giá trị các con tàu để tạo thuận lợi cho ngư dân được mua bảo hiểm nhằm vươn khơi bám biển. 

Các ngành chức năng địa phương cũng phải nhanh chóng phối hợp PJICO và các ngân hàng tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tiếp cận các quy định mua bảo hiểm tàu cá, trả nợ ngân hàng. Riêng các tàu bị chìm không rõ nguyên nhân, nếu có trường hợp trục lợi chính sách thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật" - ông Châu nhấn mạnh.

Ông Ngô Văn Cường (ngụ xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) được duyệt vay vốn ngân hàng đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67. Tháng 12-2016, ông Cường mua bảo hiểm tàu cá của PJICO Bình Định với hơn 176 triệu đồng cho các hạng mục thân tàu, ngư lưới cụ, tai nạn thuyền viên và rủi ro chiến tranh, thời hạn 1 năm. 

Ngày 22-2-2017, tàu gặp bão bị gãy 2 tay gông sắt trên boong, được giám định là thiết bị đánh bắt thủy sản, theo thiết kế là tài sản thuộc thân tàu, giá trị thiệt hại 135 triệu đồng. Sau đó, ông Cường khai báo thiệt hại và cung cấp đủ các giấy tờ cho phía bảo hiểm. 

Tuy nhiên, PJICO Bình Định từ chối chi trả bảo hiểm với lý do công văn từ Bộ Tài chính quy định doanh nghiệp chỉ chi trả bảo hiểm khi tàu của ngư dân có mua bảo hiểm bị chìm hoặc hư hỏng toàn bộ, do tàu của ông vẫn còn nên không được nhận tiền bảo hiểm.

Cùng cảnh ngộ, năm 2017, ông Nguyễn Văn Thân (ngụ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đầu tư vốn và vay thêm ngân hàng 5 tỉ đồng để đóng tàu cá. 

Khi tàu hạ thủy, ông được Công ty Bảo Minh Quảng Bình mời mua bảo hiểm 70% giá trị tàu (khoảng 5,2 tỉ đồng). Tháng 12-2017, tàu gặp nạn và chìm. Gần 2 năm qua, không biết bao nhiêu lần ông "gõ cửa" bảo hiểm nhưng vẫn chưa được chi trả.

Một ngư dân khác là ông Trần Công Khanh, mua bảo hiểm tàu cá của Công ty Bảo hiểm PVI Quảng Bình với giá trị 1,3 tỉ đồng. Ngày 12-1-2019, tàu chập điện, cháy toàn bộ tài sản. 

Ông như "chết điếng" khi phía bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do tàu cháy "không thuộc phạm vi bảo hiểm và rơi vào điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm". Lãnh đạo công ty bảo hiểm cũng nói rõ là quá trình làm hợp đồng đã tư vấn các quy định nhưng người dân phải tự tìm hiểu thêm và công ty này không thể bồi thường vì phải làm "đúng quy định".

Ngư dân mất niềm tin

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, cho biết dù nhiều trường hợp ngư dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cam kết với công ty bảo hiểm nhưng sau khi xảy ra sự cố, ngư dân vẫn bị bảo hiểm từ chối chi trả. 

Phía bảo hiểm chỉ tập trung vào việc khai thác được thật nhiều hợp đồng nhưng chưa làm hết nghĩa vụ và trách nhiệm với khách hàng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng ngư dân mua bảo hiểm tàu cá dễ nhưng khi gặp sự cố khó đòi bồi thường có đến hàng chục trường hợp, khiến nhiều ngư dân mất niềm tin. Điển hình, ngư dân Bùi Ngọc Lành (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), chủ tàu cá QNg 90289 TS, mua bảo hiểm tàu của Tổng Công ty CP Bảo Minh với mức bảo hiểm thân tàu 1,5 tỉ đồng.

 Ngày 7-8-2017, tàu bị một tàu nước ngoài truy đuổi và đâm chìm. Khi ông cung cấp đoạn phim về vụ việc, phía bảo hiểm không chịu bồi thường vì cho rằng thiệt hại là do hành vi cố ý đâm chìm, phá hoại của tàu nước ngoài nên không thuộc trường hợp được bồi thường. 

Ông Lành khởi kiện và hòa giải, mức cuối cùng mà phía bảo hiểm thỏa thuận bồi thường cho ông chỉ 500 triệu đồng. 

Kiện tụng dây dưa

Ngày 8-1-2018, tàu cá của anh Phạm Ngọc Cường (ngụ xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) trên đường vào bờ thì bị tàu hàng đâm chìm. Anh Cường báo cho phía bảo hiểm là Công ty Bảo hiểm Bảo Việt để bồi thường nhưng bị từ chối bởi lý do bảo hiểm thân tàu của anh "hết hiệu lực".

Ngày 16-4-2018, TAND TP Đồng Hới xét xử, buộc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải trả 3 tỉ đồng và tiền lãi trả chậm 360 triệu đồng cho anh Cường. Công ty Bảo hiểm Bảo Việt không chấp nhận và kháng cáo với nội dung không chấp nhận bồi thường thiệt hại.

Hoàng Phúc - Tử Trực - Anh Tú