Nghề môi giới bất động sản: Lượng đang tăng nhanh hơn chất
Tuy nhiên, cái tiếng không tốt mà các môi giới bất động sản đang phải chịu cũng đến một phần từ sức ép rất lớn từ xu hướng marketing cho dự án của các chủ đầu tư bất động sản đang thay đổi chóng mặt.
Một môi giới có hơn 5 năm trong nghề cho biết, nhiều chủ đầu tư hiện nay khi chuẩn bị tung ra một dự án thương gọi vài ba nhà môi giới đến họp. Tiếng là họp bàn về kế hoạch giới thiệu sản phẩm ra thị trường, nhưng cũng chẳng khác một buổi “đấu giá” hoa hồng môi giới. Ai đưa ra mức hoa hồng môi giới thấp nhất thường có cơ may được lựa chọn. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn có xu hướng giao khoán cả mảng truyền thông về sản phẩm cho các nhà môi giới với kinh phí chẳng dư dả gì.
“Vì doanh thu, các ông chủ sàn nghiến răng nhận mức hoa hồng thấp rồi sau đó về giao cho nhân viên môi giới với chi phí còn thấp hơn. Vậy là để bán hàng, các nhân viên môi giới phải tận dụng đủ mọi kênh, từ mạng xã hội đến gọi điện trực tiếp cho các khách hàng quan tâm với cường độ dày đặc”, nhân viên môi giới này cho biết.
Chưa kể, hiện nay nhiều chủ đầu tư tận dụng mạng xã hội như một kênh tiếp cận khách hàng chính yếu. Mà với đặc thù của kênh này, ai cũng có thể đưa thông tin một cách thiếu kiểm chứng về các sản phẩm bất động sản lên mạng. Như trường hợp một dự án bất động sản vừa ra mắt ở Hà Nội sử dụng các “hot facebooker” để quảng bá dự án. Xu hướng này vô hình trung tạo ra một “ma trận thông tin” khiến người quan tâm đến dự án không biết đâu mà lần.
Trước thực trạng này và chiều hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản Việt Nam, môi giới được xem là nghề có vai trò quan trọng trong chuỗi mắt xích hàng hóa bất động sản bởi là người tiếp xúc, tư vấn trực tiếp cho khách hàng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, với một thị trường bất động sản còn khá trẻ như Việt Nam, vai trò và tầm ảnh hưởng của lực lượng môi giới đang ngày càng thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, hoạt động của lực lượng này cần phải được kiểm soát về chất lượng, nhất là khi số lượng đang gia tăng quá nhanh như hiện nay.
Cùng quan điểm này, một số chuyên gia cũng cho biết, phát triển hoạt động và đội ngũ những người hành nghề môi giới bất động sản theo hướng chuyên nghiệp, lành mạnh là một trong những yếu tố then chốt để minh bạch hóa thị trường, đảm bảo thị trường đi đúng hướng, phát triển ổn định.
Tuy nhiên, lực lượng môi giới hiện nay chưa được đào tạo bài bản. Có chăng cũng chỉ có những buổi thuyết trình mang với tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” gần đây của một số chuyên gia bất động sản.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ rõ, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, chế tài đủ mạnh, để quản lý hoạt động của môi giới cũng như bảo vệ lợi ích của người hành nghề. Chính điều này khiến cho người làm nghề môi giới bất động sản dễ rơi vào vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt, chạy theo cách làm chộp giật, “ăn xổi”, không có mục tiêu và định hướng phát triển lâu dài gây ảnh hưởng xấu đến thị trường bất động sản.
Mặt khác, các thông tin về thị trường bất động sản ở Việt Nam chưa được rõ ràng, minh bạch về những quy tắc hay quy định về đạo đức hành nghề hoặc thiếu cụ thể... dẫn đến sự cạnh tranh méo mó, không lành mạnh giữa các nhà môi giới với nhau.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định người muốn hành nghề môi giới bất động sản phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, nếu chỉ dựa vào Thông tư số 11 chưa đủ cơ sở tạo lập một đội ngũ môi giới chuyên nghiệp.
Bởi, chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản cũng như bằng lái xe.
Có bằng không đồng nghĩa với việc lái tốt và tuân thủ giao thông. Vì vậy, để nghề môi giới thực sự là cầu nối an toàn của chủ đầu tư đến khách hàng và ngược lại thì rất cần một chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm trong hành nghề.