|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành tôm Việt Nam gặp khó khi truy thu thuế trứng Artemia

21:00 | 04/03/2017
Chia sẻ
Nếu bị truy thu thuế nhập khẩu trứng Artemia, một số doanh nghiệp lớn sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

Ngành tôm nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, tình hình thời tiết, hạn mặn sẽ không diễn ra khốc liệt như năm 2016. Vì vậy, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành thủy sản tạo ra bứt phá tiếp theo cho nuôi tôm sau thành công bất ngờ của năm 2016.

Vừa qua, tại hội nghị về ngành nuôi tôm ở Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển ngành tôm. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao. Cần xây dựng nhiều thương hiệu toàn cầu về tôm. Thủ tướng cũng kỳ vọng mục tiêu là chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.

Bên cạnh những thuận lợi để ngành tôm là “linh hồn” trong lĩnh vực thủy sản Việt Nam phát triển thì hiện tại ngành tôm đang đối diện với nhiều khó khăn như nạn bơm tạp chất vào tôm, chi phí nguyên liệu tăng, giống tôm suy yếu, hay như các doanh nghiệp đang bị truy thu thuế trứng Artemia… là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2017 gặp nhiều khó khăn và đe dọa mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD trong năm nay khó đạt kế hoạch.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122 trong đó có việc trứng Artemia (thức ăn cho tôm giống) áp thuế nhập khẩu 0% đã chính thức có hiệu lực, song các doanh nghiệp vẫn còn đó nỗi lo bị truy thu thuế trước đó.

nganh tom viet nam gap kho khi truy thu thue trung artemia
Nếu quyết truy thu thuế trứng Artemia sẽ khiến cho ngành tôm gặp khó khăn. (Nguồn: Người Tiêu dùng).

Tạo điều kiện để ngành tôm phát triển

Vấn đề mà doanh nghiệp ngành tôm đang “đau đầu” là việc hải quan đã “hiểu lầm” khái niệm đối với trứng Artemia.

Hải quan cho rằng 80% công ty nhập khẩu trứng Artemia đã kê khai mã hàng 0511 và nộp thuế đầy đủ, chỉ có 20% công ty còn lại khai chưa đúng nên bị truy thu thuế. Tuy nhiên, theo ông Trương Hữu Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận, thực ra 80% công ty nói trên có sản lượng nhập khẩu rất thấp, không đáng kể chỉ chiếm 20%. Trong khi đó, tuy số lượng doanh nghiệp ít, chiếm tỷ lệ chỉ 20% như hải quan đề cập nhưng các doanh nghiệp này nhập khẩu mặt hàng trứng Artemia với số lượng rất lớn từ Mỹ, chiếm đến 80% sản lượng nhập khẩu trứng Artemia về Việt Nam.

Cũng theo đại diện của Công ty TNHH Thông Thuận, những doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng nhỏ (nhưng chiếm tỷ lệ 80% số lượng doanh nghiệp) khai báo theo mã hàng 0511 đã kê khai mức nộp thuế và hạch toán vào giá thành sản phẩm để bán cho bà con nông dân, doanh nghiệp kê khai thuế chẳng mất đồng nào nhưng người nuôi tôm chịu thiệt vì giá cao mà chất lượng thức ăn nuôi tôm thấp, đe dọa ngành tôm phát triển bởi tôm giống sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn nuôi tôm từ Mỹ khai báo theo chuẩn mã hàng 2309 của hải quan Mỹ, về nước cũng khai như vậy và được hải quan Việt Nam chấp nhận khai báo mã 2309 với mức thuế suất 0%, thì họ đã hạch toán vào giá thành rẻ để bán cho người nuôi tôm rồi. Giờ hải quan truy thu thuế, rõ ràng họ không thể truy thu tiền đã bán từ người nuôi tôm và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì số tiền truy thu thuế khá lớn.

Đại diện của Công ty Anh Việt thì tôm giống của công ty có chất lượng tốt là do ăn trứng Artemia nhập khẩu từ Mỹ. “Tôi khẳng định không có thức ăn nào cho tôm mà tốt bằng trứng Artemia hết” - vị đại diện này khẳng định.

Và nếu bị truy thu thuế thì một trong số doanh nghiệp nhập khẩu trứng Artemia lớn sẽ gặp khó khăn. Đơn cử trong đó có Công ty Anh Việt, là một trong những công ty cung cấp chất lượng tôm giống ổn định và tốt cho bà con nông dân. Theo Nguyễn Văn Mé, Phó trạm Trưởng Trạm Kiểm dịch giống thủy sản Cây Trâm (Cà Mau) thì tôm giống do Công ty Anh Việt cung cấp cho bà con nông dân trên địa bàn Cà Mau có chất lượng tốt và ổn định.

Tuy là một đơn vị cung cấp tôm giống tốt nhưng Công ty Anh Việt lại đang gặp khó khăn vì bị truy thu thuế. Bởi không chỉ Công ty Anh Việt mà theo nhiều doanh nghiệp ngành tôm thì các lô hàng nhập khẩu trứng Artemia về trước đây đã tính toán giá thành rồi bán cho người nông dân, bây giờ cơ quan chức năng đòi truy thu thuế. Bản thân doanh nghiệp không biết lấy tiền ở đâu để bù lại khoản thu này?

Cũng theo đại diện của Công ty Thông Thuận, việc áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm trứng Artemia không khác gì việc “bỏ con tôm bắt con tép” vì thuế thu được không đáng bao nhiêu so với thiệt hại nặng nề mà ngành sản xuất tôm giống và tôm thịt của Việt Nam sẽ gặp phải trong thời gian tới. Tăng thuế tức là giá bán cao hơn, người sản xuất và người dân sẽ chuyển sang dùng thức ăn thông thường thay vì trứng Artemia, chất lượng tôm giống giảm và dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới.

Nếu những công ty nhập trứng Artemia ở Mỹ mà gặp khó khăn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn tôm giống ở khu vực phía Nam. Thiệt hại đầu tiên sẽ là những hộ nông dân nuôi tôm và người tiêu dùng. Giá thành tôm của Việt Nam đã cao hơn so với khu vực. Như vậy sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp chế biến sẽ nhập tôm ở các nước khác, dẫn đến chất lượng tôm không bảo đảm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống là đối tượng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển thông qua nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với con giống và thức ăn nuôi thủy sản. Vì vậy, việc áp dụng thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng trứng Artemia không đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, mà sẽ gây tác động xấu đến chất lượng tôm giống do các doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng thức ăn nhân tạo để tiết kiệm chi phí, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Mai Trinh