Ngành hàng không thế giới lạc quan về triển vọng dài hạn
Trong báo cáo mới nhất về các xu hướng của ngành, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến giao thông hàng không thế giới sẽ khó trở lại mức trước đại dịch trước năm 2023.
Tuy nhiên, trong hơn 20 năm tới, lưu lượng hành khách sẽ tăng gần gấp đôi, từ 4,5 tỷ lượt vào năm 2019 lên 8,5 tỷ lượt khách vào năm 2039. Tuy nhiên, con số mới này giảm một tỷ lượt so với dự báo trước cuộc khủng hoảng COVID-19 của IATA.
Dù vậy, dự báo trên vẫn là một thông tin tốt lành đối với các nhà sản xuất máy bay, vốn đã sản xuất chậm lại do các hãng hàng không hủy đơn đặt hàng để đảm bảo tình hình tài chính. Hãng chế tạo máy bay Airbus đã thông báo về kế hoạch đẩy mạnh sản xuất mẫu máy bay một lối đi A320 - sản phẩm bán chạy nhất của hãng và đạt mức kỷ lục vào năm 2023.
Trong khi đó, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ dự báo lạc quan rằng các hãng hàng không sẽ cần 43.110 máy bay mới cho đến năm 2039, qua đó giúp tăng gần gấp đôi quy mô các đội bay trên toàn cầu.
Riêng châu Á sẽ chiếm 40% nhu cầu này. Darren Hulst, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị của Boeing, từng phát biểu rằng vụ tấn công ngày 11/9 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 đã cho thấy ngành hàng không có khả năng phục hồi trở lại.
Marc Ivaldi, Giám đốc nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Cao cấp về Khoa học Xã hội có trụ sở tại Paris (Pháp), lưu ý rằng hiện chỉ một phần trăm dân số sử dụng phương tiện hàng không. Do đó, sự gia tăng nhân khẩu học cũng như thu nhập sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Trong một nghiên cứu gần đây, công ty tư vấn Oliver Wyman cho rằng các đội máy bay lớn nhất đang ở Mỹ và châu Âu, song mức tăng lớn nhất dự kiến sẽ ở châu Á và Trung Đông. Airbus đã giao 19% lượng máy bay của hãng cho Trung Quốc, nhiều hơn Mỹ, và xu hướng này dự kiến sẽ không thay đổi.
Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia mới nổi, nơi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, hoạt động đi lại bằng đường hàng không sẽ ngày càng trở nên khả thi đối với nhiều người.
Trước những lo ngại về tác động đối với biến đổi khí hậu, ngành hàng không đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2050 so với mức của năm 2005. Theo các chuyên gia, các hãng hàng không có động lực kinh tế để hiện thực hóa mục tiêu này, với việc sử dụng máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, để giảm chi phí hoạt động.