|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng và cuộc đua chuyển đổi số, ATM 'thất thế' trước app công nghệ

16:05 | 21/08/2023
Chia sẻ
6 tháng đầu năm, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng trong khi lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%.

Giao dịch điện tử lên ngôi, ATM 'thất thế'

Công cuộc chuyển đổi số giữa các ngân hàng đang ngày càng sôi động khi có sự tham gia nhiệt tình của phần lớn ngân hàng hiện nay. 

"Ít nhất 95% ngân hàng tại Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển đổi số. Từ khóa tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tích cực. Các ngân hàng ở Việt Nam hiểu rằng chuyển đổi số không chỉ là một hay hai sự cải tiến, mà là một sự phát triển đổi mới liên tục.", bà  Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam nhận định trong hội thảo sáng ngày 21/8.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào phát biểu tại Toạ đàm. (Ảnh: Tạp chí Thị trường tiền tệ)

Bà cho hay theo khảo sát của Mastercard, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận chuyển đổi số. Xu hướng này ở Việt Nam thậm chí phổ biến hơn các nước còn lại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong một nghiên cứu của Mastercard vào năm 2022, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này là 94%. 

Quá trình chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong đại dịch COVID-19 khi xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được phát triển mạnh. Mức đầu tư cho quá trình này của các ngân hàng cũng là những con số khủng, tiết lộ trong năm ngoái đại diện NHNN cho hay riêng nhóm 10 ngân hàng top đầu chi đầu tư 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho chuyển đổi số. Ngân hàng cổ phần Techcombank từng cho hay đã đầu tư khoảng 300 triệu USD về công nghệ và con người cho chuyển đổi số.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán (NHNN), cho biết rất nhiều TCTD đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các TCTD giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây, đồng thời góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu như trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng, nhưng đến nay hệ thống đã có thể xử lý lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).  

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. 

Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.

Rủi ro lừa đảo qua kênh số ngày càng lớn

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kênh thanh toán số, tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.  

Trường hợp điển hình như khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán...  khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian. Bên cạnh đó còn có hiện tượng kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim, nâng cấp gói internet trên sim để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Một trường hợp xảy ra phổ biến khác là kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link/brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Vụ việc điển hình vừa được Công an tỉnh Cao Bằng khởi tố cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng, số lượng tiền trôi qua tài khoản gian lận này là gần 1.000 tỷ đồng 

Đứng dưới góc độ nhà quản lý, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho hay thanh toán điện tử hiện nay đối diện với nhiều khó khăn và thách thức khi  hành lang pháp lý chưa theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ, hình thức tội phạm công nghệ cao gia tăng, thiếu tương thích giữa các hạ tầng và thói quan tiêu dùng của người dân.

 Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Tạp chí Thị trường tiền tệ)

Ông cũng tiết lộ ngày 8/8 vừa qua, thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản là thống nhất với đề xuất trong dự thảoNghị định sửa đổi Nghị định 101 (đã trình Chính phủ hơn 4 năm) và đã có thông báo yêu cầu NHNN hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo kết luận của Thường trực Chính phủ trong phiên họp đó để trình Chính phủ trước ngày 18/8.

"Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành trong quý III/2023", ông nói.

Nghị định về Sandbox cũng đã trình Chính phủ khoảng 2 năm nay và hiện đang được NHNN hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023, phấn đấu trình trước ngày 20/8, ông Tuấn cho biết thêm.

NHNN đã trình Thống đốc và được đồng ý sẽ sửa Quyết định 630/QĐ-NHNN về kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Ông Tuấn nhận định đây là một quyết định rất căn cơ, sẽ quyết định hạn mức nào sẽ yêu cầu xác thực bằng yếu tố sinh trắc học để xác định chính chủ. Có nghĩa, người mở tài khoản và người thực hiện giao dịch đó phải là một. 

NHNN sẽ cân nhắc để chốt hạn mức là bao nhiêu, để mức độ ảnh hưởng là ít nhất. Theo thống kê mới đây, trong tổng số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2023, các giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, còn từ 20 triệu đồng trở lên chỉ trên dưới 5%, như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít.

Những hình thức lừa đảo mới xuất hiện vô cùng thách thức đối với cả khách hàng và ngân hàng:

1. Tin nhắn mạo danh (SMS brand name). Với hình thức này, khách hàng phải có nhận thức rất cao, đọc hiểu rõ nội dung mới nhận ra được hành vi lừa đảo.

2. Đối với giao dịch QR Code. Hiện nay xuất hiện phần mềm mô phỏng giống với Mobile Banking của các ngân hàng. Khi giao dịch mua hàng, kẻ gian sử dụng phần mềm mô phỏng lừa đảo đã chuyển tiền cho người bán hàng (hiển thị đã chuyển tiền thành công trên phần mềm mô phỏng nhưng thực chất không chuyển tiền) và nhiều người bán hàng bận rộn không kịp kiểm tra số dư tài khoản. Như vậy, hành vi lừa đảo đã được thực hiện trót lọt.

3. Khi áp dụng mở tài khoản bằng eKYC, rất nhiều lợi ích nhưng song hành với đó là rủi ro. Dù ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp định danh tuy nhiên kẻ gian cũng nhanh chóng tìm cách để lách qua hệ thống bảo mật bằng cách sử dụng công nghệ AI, deepfake..

 

 

 

 

Diệp Bình

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.