Ngân hàng Standard Chartered và loạt doanh nghiệp bị truy thu thuế
Trường hợp Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken (bị truy thu, phạt 917,2 tỷ đồng tiền thuế) và Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam (bị truy thu và phạt 821,41 tỷ đồng; giảm khấu trừ 76,31 tỷ đồng, giảm lỗ 762,66 tỷ đồng) như Báo Giao thông đã thông tin là hai trường hợp tiêu biểu và lớn nhất được cơ quan thanh tra Tổng cục thuế thực hiện và kết luận vào cuối năm 2019 vừa qua.
Ngoài ra, một số vụ việc tiêu biểu khác do các Cục thuế địa phương thực hiện, đồng thời thực hiện truy thu vào ngân sách.
Đơn cử, qua thanh tra Tổng công ty Phát điện 1, cơ quan thuế đã truy thu và phạt 46 tỷ đồng; Thanh tra chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, truy thu và phạt 43,41 tỷ đồng; Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Tâm Phát 20,8 tỷ đồng, Công ty cổ phẩn Phú Hoàng Oanh 26,62 tỷ đồng; Công ty TNHH KONE Việt Nam 22,97 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong danh sách này cũng bao gồm Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered. Sau thanh tra, cơ quan thuế đã truy thu và phạt ngân hàng này số tiền 19,05 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục thuế, năm 2019 toàn ngành đã thực hiện 96.243 cuộc thanh kiểm tra (đạt 109,72% kế hoạch), kiểm tra được 517.554 hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế.
Qua thanh kiểm tra, tổng số tiền kiến nghị xử lý là 64.524,8 tỷ đồng, bằng 103,71% so với 2018. Trong đó, thuế thu qua thanh kiểm tra 18.875,51 tỷ đồng; giảm khấu trừ 2.700,99 tỷ đồng, giảm lỗ 42,948,3 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 13.812,48 tỷ đồng.
Riêng với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, toàn ngành đã thực hiện thanh kiểm tra 816 doanh nghiệp; Truy thu, truy hoàn và phạt 1.719,46 tỷ đồng, giảm lỗ 7.026,35 tỷ đồng; Giảm khấu trừ 33,44 tỷ đồng; Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.508,78 tỷ đồng.
Cơ quan thanh tra cũng xác định lại giá trị thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 663,64 tỷ đồng, giảm lỗ 2.612,76 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 6.393,82 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ Thanh tra Tổng cục thuế cho biết: Do số thuế thu được qua thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá rất cao, chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành nên thời gian tới hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh.
Một số nhóm ngành hàng có nguy cơ cao như nhóm gia công may và những doanh nghiệp tái cơ cấu. Đây đều là những doanh nghiệp có thể lợi dụng hoạt động chuyển giá để tránh thuế.
Lãnh đạo Vụ Thanh tra cũng cho biết cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, quản lý, xác định giá trong giao dịch liên kết.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng đưa ra quy định cụ thể việc xác định giá đầu tư đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ các bên có mối quan hệ liên kết.
“Quan trọng nhất là bắt buộc phải xây dựng cơ sở dữ liệu về tỷ suất lợi nhuận để đưa ra cơ sở so sánh. Tức là ông kinh doanh ở Việt Nam thì với môi trường này, ngành hàng này thì tỷ suất lợi nhuận của ông là bao nhiêu.
Giống như một doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát có ga vào vào Việt Nam thì phải so sánh với các doanh nghiệp đang kinh doanh nước giải khát có ga khác về tỷ suất lợi nhuận. Không thể chấp nhận ông kinh doanh 10 năm mà không có lợi nhuận. Phải xây dựng được hệ thống cơ sở chứ không thể áp dụng tùy tiện”, lãnh đạo Vụ Thanh tra cho hay.