|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng muốn hồ sơ giao dịch đảm bảo được xử lý nhanh

15:11 | 12/04/2017
Chia sẻ
Đại diện một số ngân hàng đã kiến nghị chính quyền TPHCM cần yêu cầu các quận huyện đẩy nhanh thời gian xử lý và trả kết quả các hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
ngan hang muon ho so giao dich dam bao duoc xu ly nhanh
Lãnh đạo một ngân hàng phát biểu tại hội nghị sáng 12-4 tại TPHCM - Ảnh: Văn Nam

Tại hội thảo bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 12-4, các ngân hàng cho rằng vẫn còn sự trì trệ trong tiến độ xử lý các vụ án kinh tế liên quan đến doanh nghiệp, bộ phận đăng ký đất đai quận huyện còn chậm giải quyết hồ sơ giao dịch đảm bảo cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Đại diện các ngân hàng cho biết, theo quy định thì thời gian đăng ký giao dịch đảm bảo là 3 ngày làm việc và hiện một số quận như Bình Thạnh, quận 7, quận 11 thực hiện rất tốt khi rút ngắn chỉ trong 1 ngày là trả kết quả.

Còn lại nhiều nơi vẫn còn xử ký chậm nên các ngân hàng kiến nghị các quận huyện, đặc biệt là các huyện ngoại thành cần rút ngắn thời gian trả hồ sơ giao dịch đảm bảo xuống còn 1 ngày để tạo thuận lợi cho người dân và ngân hàng thực hiện các hợp đồng, giao dịch liên quan đến giấy tờ đất đai.

“Thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch đảm bảo rất quan trọng. Nếu để trễ một ngày thôi thì sẽ kéo theo thiệt hại về lãi suất lớn nên có nơi làm trong một ngày xong nhưng cũng có những nơi ‘ngâm’ đến 3-4 ngày gây phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố nhận định như vậy và yêu cầu lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường giải thích cho các tổ chức tín dụng tại hội nghị sáng nay.

Theo ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường, trong các loại hồ sơ giao dịch về đất đai thì hồ sơ giao dịch đảm bảo có thời gian theo quy định là 3 ngày làm việc. Khi muốn giải quyết hồ sơ loại này thì cần đối chiếu với các loại chứng từ hồ sơ địa chính để xác định điều kiện đăng ký và theo dõi quá trình thực hiện các thông tin ngăn chặn từ các cơ quan khác.

Sở dĩ quận Bình Thạnh, quận 7, và quận 11 xử lý và trả hồ sơ trong một ngày là bởi ba quận này có lượng hồ sơ tương đối gọn, điều kiện đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại hơn các quận khác nên liên kết cơ sở dữ liệu thuận lợi.

“Hiện nay chúng tôi rất muốn 24 quận huyện đều thực hiện được như 3 quận nói trên. Tuy nhiên, cũng xin nói thiệt là hiện trang bị ở các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nhiều nơi còn lạc hậu lắm! Cho đến bây giờ anh em còn sử dụng máy móc giải quyết hồ sơ giao dịch đảm bảo bằng nhiều máy vi tính có từ những năm 1986, chúng tôi đang thanh lý các máy vi tính này để xin thực hiện dự án thuê công nghệ quản lý từ Công viên phần mềm Quang Trung để kết nối chi nhánh văn phòng đất đai các quận huyện với Văn phòng đăng ký đất đai thành phố”, ông Liên nói.

Theo một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, kinh phí đầu tư cả máy chủ, thiết bị lẫn phần mềm dự án hệ thống kết nối nói trên khoảng 20 tỉ đồng.

Nhân việc các ngân hàng phản ánh quận huyện chậm giải quyết hồ sơ giao dịch đảm bảo, Phó chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến nhắc lại một tiêu chí “thiết chế pháp lý” rất đáng lo ngại bởi vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá tụt hạng trong năm 2016.

“Qua rà soát lại, những vụ kiện liên quan đến kinh tế của doanh nghiệp thì cơ quan nội chính thành phố xét xử quá chậm, thậm chí trả đi trả lại nhiều lần khiến doanh nghiệp phiền hà. Ngoài ra, các tài sản mà ngân hàng đã mua mà cơ quan thi hành án thực hiện bản án thì cũng làm quá chậm, thậm chí kéo dài nhiều năm gây thiệt hại cho ngân hàng, doanh nghiệp”, ông Tuyến dẫn thêm nguyên nhân làm tiêu chí “thiết chế pháp lý” của thành phố bị giảm điểm năm 2016.

Ông Tuyến cũng cho biết thêm trong tuần tới, UBND thành phố sẽ làm việc với cơ quan thi hành án, tòa án để rà soát, kiểm tra lại danh mục cụ thể những vụ kiện kinh tế, những tài sản cần phải thi hành án của ngân hàng để chấn chỉnh tình trạng chậm trễ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) kiến nghị, chính quyền thành phố có thể áp dụng xã hội hóa dịch vụ xử lý hồ sơ giao dịch đảm bảo có thu phí, theo đó các ngân hàng thương mại sẵn sàng bỏ ra kinh phí 20 tỉ đồng như nói trên để đầu tư và thu phí dịch vụ nếu các bên thực hiện giao dịch muốn làm nhanh.

Ngân hàng cần quan tâm đến các vấn đề tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM đề nghị các tổ chức tín dụng tại thành phố cần quan tâm đến tăng trưởng tín dụng phù hợp trong mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng tín dụng và tỉ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng còn nguyên giá trị, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đến ngày 31-3 đạt 1.795.200 tỉ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2016 và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó huy động vốn bằng tiền đồng chiếm gần 85% tổng nguồn vốn và tăng 14,13% so cùng kỳ, vốn huy động bằng ngoại tệ giảm gần 6,3% so cùng kỳ năm trước.

Theo ông Cường, vẫn còn một số tồn tại đối với hệ thống tín dụng thành phố như nợ xấu tồn tại và tiếp tục tác động tới hoạt động ngân hàng, đặc biệt nợ xấu của nhóm ngân hàng có liên quan đến vụ án rất khó xử lý và phụ thuộc nhiều vào kết quả tòa án và thi hành án. Ngoài ra, thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán tăng dần, tỉ trọng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất tăng thấp hơn trước đây.

Một vấn đề khác được ông Cường lưu ý các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố quan tâm đến an ninh mạng, an toàn giao dịch trong dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ, thực hiện phòng chống tội phạm công nghệ cao để hạn chế rủi ro công nghệ, rủi ro tội phạm có thể xảy ra để đảm bảo cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Văn Nam

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.