|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng lãi lớn từ hoạt động thanh toán trong mùa dịch

15:20 | 17/12/2020
Chia sẻ
Thanh toán phi tiền mặt 'lên ngôi' trong thời gian dịch COVID-19 giúp các ngân hàng thu về những khoản lãi trăm, nghìn tỉ đồng từ phí thẻ và phí dịch vụ thanh toán.
IMG_6312.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Techcombank)

Những khoản lãi "khủng" từ dịch vụ thanh toán

Tại các ngân hàng Việt Nam, ngoài nguồn thu chính từ hoạt động tín dụng chiếm bình quân trên 75% tổng thu nhập hoạt động thì dịch vụ là nguồn thu lớn thứ hai.

Trong đó, trừ một số ngân hàng có kinh doanh bảo hiểm, thanh toán và tiền mặt vẫn là dịch vụ đóng góp chính vào doanh thu mảng dịch vụ nói chung. Lãi thuần từ hoạt động thanh toán tăng trưởng mạnh đã góp phần duy trì đà tăng của lợi nhuận của nhiều ngân hàng trong 9 tháng đầu năm bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Dù đã áp dụng chính sách miễn phí chuyển khoản cho khách hàng từ lâu, Techcombank vẫn là ngân hàng có doanh thu từ dịch vụ lớn nhất trong khối tư nhân. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng thu về gần 2.060 tỉ đồng từ hoạt động thanh toán và tiền mặt, tăng 29% so với cùng kì 2019. Sau khi trừ 1.160 tỉ đồng chi phí, ngân hàng lãi ròng hơn 900 tỉ, tăng 29% và chiếm gần 1/3 tổng thu từ hoạt động dịch vụ.

Theo SSI Research, quá trình số hóa tiếp tục đóng góp lớn trong việc giúp Techcombank thu hút được nhiều khách hàng mới, CASA và các dịch vụ thu phí của ngân hàng. Trong ba quí đầu năm, tổng khách hàng điện tử của Techcombank tăng 27,4% so với đầu năm, giá trị giao dịch online tăng 96% so với cùng kì đối với khách hàng doanh nghiệp và 84,4% đối với khách hàng bán lẻ.

9 tháng đầu năm, thu từ dịch vụ thanh toán và ngân quĩ của VPBank đạt hơn 765 tỉ đồng, gấp 1,5 lần cùng kì trong khi chi phí giảm 3%. Kết quả, ngân hàng lãi thuần gần 590 tỉ đồng, tăng gần 80% và chiếm hơn 25% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ (so với mức 17% của 9 tháng đầu năm 2019).

Thu nhập phí thanh toán chuyển biến tích cực khi số lượng và giá trị thanh toán qua kênh ngân hàng điện tử của VPBank tăng đột biến trong thời gian qua. Theo số liệu của VPBank, tổng lượng giao dịch qua kênh ngân hàng online hàng tháng trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 735.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2019 và chiếm khoảng 80% tổng số lượng giao dịch tài chính.

131671992_432660284595142_5941630346676444506_n.png

Thu từ dịch vụ thanh toán, ngân quĩ và mobile banking của VIB trong 3 quý đầu năm đạt gần 680 tỉ đồng, tăng 60%. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng thu về khoản lãi gần 430 tỉ đồng, tăng 60%.

Mức tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ thanh toán gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ thẻ tín dụng trong thời gian gần đây của ngân hàng. Theo đó, VIB đã phát hành hơn 10.000 thẻ tín dụng/tháng trong quí II và quí III/2020.

Tại các ngân hàng tư nhân khác như MB, TPBank và SHB, dịch vụ thanh toán và tiền mặt cũng mang về hàng trăm tỷ đồng lãi thuần trong 9 tháng đầu năm.

Nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước gồm Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank không công bố số liệu về thu nhập từ hoạt động thanh toán. Tuy nhiên, trong các năm trước, đây là những ngân hàng đứng đầu nguồn thu này, dao động 1.500 – 3.600 tỉ đồng trong năm gần nhất (2019).

Với cơ cấu nguồn thu không thay đổi quá nhiều, Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank hoàn toàn có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng từ hoạt động thanh toán trong 9 tháng đầu năm 2020.

131042209_728562974481029_1052818980361154066_n.png

Tỷ trọng lãi thuần từ dịch vụ thanh toántrong tổng thu nhập tăng trong những quý đầu năm.

Hưởng lợi từ xu hướng không dùng tiền mặt trong mùa dịch

Đại dịch COVID-19 bùng phát và tác động ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn đó cũng tạo ra những cơ hội và thuận lợi giúp mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và nhận thức người dân về sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã có chuyển biến tích cực.

Nắm bắt được xu hướng này, ngành ngân hàng đã triển khai các chương trình khuyến mãi, miễn, giảm phí chuyển tiền, phí dịch vụ nhằm thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần.

Theo số liệu của NHNN, trong 7 tháng năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt 82,2 triệu món, giá trị đạt 59,1 triệu tỷ đồng (tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái). Số lượng giao dịch thanh toán qua thẻ đạt gần 205,6 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 475.900 tỷ đồng (tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đặc biệt, tiếp đà tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 574,4 triệu giao dịch với giá trị đạt 5,9 triệu tỷ đồng (tăng 184,2% về số lượng và 186,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, đến cuối tháng 7/2020, số lượng thẻ đang lưu hành đạt mức 107,7 triệu thẻ (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

131274393_892981174841324_4959288162945847896_n.png

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự bùng nổ của thanh toán phi tiền mặt trong thời gian xảy ra COVID-19 là yếu tố giúp các ngân hàng có được nguồn thu lớn từ phí, góp phần vào tăng trưởng lợi nhuận chung.

Giải thích về khoản lãi lớn từ mảng thanh toán, lãnh đạo Techcombank cho biết trong thời gian dịch COVID-19, doanh thu và số lượng khách hàng sử dụng thẻ mua sắm tăng rất cao: thẻ tín dụng tăng 60%, thẻ ghi nợ tăng 36%; điều này mang đến cho Techcombank nguồn thu phí thẻ và đóng góp cho phần tăng trưởng của Techcombank.

Quốc Thụy