Ngân hàng cải cách mạnh mẽ để phục vụ DN tốt hơn
|
Rào cản dần được dỡ bỏ, nhưng cần đồng bộ hơn
Vừa qua, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Đào Minh Tú dẫn đầu đã đi khảo sát thí điểm chọn mẫu về tình hình cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực ngân hàng ở Hải Phòng. Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bê tông cho biết, DN của mình hiện tại không gặp bất kỳ một trở ngại nào trong tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn rộng ra trong cộng đồng DN, vẫn có không ít chủ DN gặp “cản trở” trong các thủ tục khác nhau.
Ông Thắng dẫn chứng từ chính DN mình, dù ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng do có sự chậm trễ trong cấp phép giấy phép xây dựng nên DN không thể dùng tài sản để thế chấp bởi không một ngân hàng nào dám cấp vốn khi chưa đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định. Ông Thắng cho rằng, ngân hàng thì chào đón nhưng vẫn bị tắc ở đâu đó, do đó cần có sự cải cách đồng bộ hơn.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH VICO Nguyễn Mộng Lân, một DN sản xuất kinh doanh các sản phẩm về bột giặt, chất tẩy rửa, nhận xét thủ tục vay vốn hiện đã nhanh gọn hơn nhiều, lãi suất cho vay đã hợp lý hơn nhưng so với thế giới cũng còn tương đối cao. Do đó, ông Nguyễn Mộng Lân bày tỏ mong muốn các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa để hỗ trợ DN.
Để đạt được những kết quả bước đầu, nhận được phản hồi đáng khích lệ của DN, thời gian qua, NHNN đã tích cực triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Cụ thể, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc NHNN chi nhánh Hải Phòng cho biết, trong các thủ tục hành chính, chi nhánh đã giải quyết, không có TTHC nào để quá hạn, có 23 TTHC giải quyết đúng hạn (chiếm tỷ lệ 9,2%) và có tới 227 TTHC giải quyết trước hạn (chiếm tỷ lệ 91,8%). Ông Cường dẫn chứng, chẳng hạn thủ tục thực hiện đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo quy định là 15 ngày thì nay rút ngắn chỉ còn 12 ngày làm việc. “Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO vào giải quyết TTHC cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ”, lãnh đạo NHNN Hải Phòng cho biết thêm.
Đại diện khối ngân hàng thương mại, bà Lê Thị Xuân, Giám đốc chi nhánh Lê Chân (Hải Phòng) của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, không chỉ cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình, tăng cường hỗ trợ vốn cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn, đơn vị còn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Kho bạc, chi cục thuế tại địa phương trong việc thu thuế điện tử…
Còn đại diện chi nhánh Hải Phòng của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) chia sẻ, quy trình cho vay của ngân hàng này đã được cải tiến mạnh để phục vụ tốt nhu cầu DN, quy trình xét duyệt thẩm định hồ sơ cho vay, bảo lãnh tín dụng thư (LC) thông thường tối đa 48 tiếng, với các hồ sơ đặc biệt phức tạp thì khoảng 5-7 ngày.
|
Cải cách theo chiều sâu
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thẳng thắn nhận định, tuy đạt được những kết quả bước đầu, tình hình chung đã được cải thiện, nhưng thực tế, vì lí do chủ quan hay khách quan, chắc chắn vẫn còn không ít DN gặp khó khăn trong vay vốn với ngân hàng, đặc biệt là các DN nhỏ, tiềm lực yếu, kinh nghiệm hạn chế trong xây dựng phương án kinh doanh, tài sản bảo đảm hạn chế.
Thực tế vẫn còn không ít vướng mắc, điểm nghẽn trong thủ tục như trong xử lý tài sản bảo đảm như tranh chấp tài sản, vô hiệu hoá hợp đồng đã ký kết, vấn đề hình sự hoá các hoạt động kinh tế gây nhiều e ngại ảnh hưởng đến khơi thông dòng tiền… đòi hỏi cần có sự điều chỉnh đồng bộ các quy định thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành liên quan.
Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính theo chiều sâu, tạo thuận lợi cho DN và người dân. Các ngân hàng ở các địa phương phải thật sự đồng hành cùng DN, tổ chức đối thoại thường xuyên, làm đầu mối, tháo gỡ khó khăn tại chỗ, trong trường hợp ngoài thẩm quyền phải kịp thời báo cáo và kiến nghị lên NHNN.
Lãnh đạo NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng, trong năm 2016 và 2017 cần hoàn thành việc công bố công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất, tuyệt đối không được “mù mờ”, tạo điều kiện tối đa về lợi ích cho người dân, DN có cơ sở lựa chọn các loại hình dịch vụ với chi phí phù hợp.
Ông Đào Minh Tú cho rằng, về cơ bản, các quy định pháp lý, quy trình đã tương đối được cải thiện, do đó, khâu tổ chức triển khai thực hiện đóng vai trò quan trọng. Các tổ chức tín dụng cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực, thái độ phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhân viên giao dịch...
Các ngân hàng phải nâng cao trình độ thẩm định tín dụng, hướng tới phương thức tín dụng hiện đại hơn như cho vay không tài sản bảo đảm, nhưng tính toán quản lý chặt dòng tiền. Tuy việc này không đơn giản để mở rộng ngay, nhưng phải nỗ lực từng bước, vì đây cũng là một phương thức giúp giảm thiểu thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho DN.
Hơn nữa, để hỗ trợ tốt hơn các DN xuất nhập khẩu, DN có vốn đầu tư nước ngoài, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ làm việc trong những ngày nghỉ lễ. Ví dụ, dịp Tết Nguyên đán, các DN vẫn có nhu cầu giao dịch nên cần xem xét bố trí nhân lực ngân hàng phục vụ các giao dịch thanh toán quốc tế.
Nhấn mạnh yêu cầu “cải cách nhưng không buông lỏng”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú quán triệt nguyên tắc mà các ngân hàng phải tuân thủ, đó là, đẩy mạnh giảm TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình, thủ tục.
“Bớt thủ tục nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc an toàn, bảo mật, đặc biệt là phải phòng ngừa rủi ro trong việc cung ứng dịch vụ, nhất là lĩnh vực thanh toán, tín dụng, tiền tệ để bảo vệ quyền lợi của cả khách hàng và ngân hàng. Mỗi ngân hàng cần xác định việc cải cách góp phần thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ, tạo thuận lợi cho DN và người dân nhưng cũng là vì sự phát triển của chính mình”, ông Tú nói.