|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Nếu điều này xảy ra lạm phát sẽ chỉ mang tính tạm thời, không kéo dài 3-4 năm'

16:18 | 13/05/2022
Chia sẻ
TS. Cấn Văn Lực cho biết lạm phát toàn cầu đang tăng rất nhanh. Nếu tình hình Nga – Ukraine tốt hơn thì lạm phát sẽ chỉ mang tính tạm thời, không có chuyện kéo dài 3-4 năm.

Tại Diễn đàn Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dẫn dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 là 4,4%, giảm 1,3 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021.

Ông Lực cho biết, với các nước có thu nhập cao, mức dự báo bị hạ là 1,2 điểm %, còn các nước mới nổi và đang phát triển, thì mức bị hạ là 1,3 điểm %.

 

 

 

Trong khi đó, dự báo về lạm phát lại được nâng lên mạnh. Hiện tại, tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 5,7% ở các nền kinh tế có thu nhập cao; 8,7% ở các nước mới nổi và đang phát triển. 

“Lạm phát toàn cầu đang tăng rất nhanh, hơn gấp đôi so với năm ngoái. Nếu tình hình Nga – Ukraine tốt hơn thì lạm phát sẽ chỉ mang tính tạm thời, không có chuyện kéo dài 3-4 năm”, ông nói thêm.

Về nguy cơ đình lạm (kinh tế đình đốn trong khi lạm phát gia tăng), ông Lực cho rằng đình lạm chỉ xảy ra cục bộ, không phải toàn cầu.

Với Việt Nam, ông Lực nhấn mạnh cần chú ý đến triển khai chương trình phục hồi, nếu làm tốt chương trình này sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

 

“Chúng ta phấn đấu tăng trưởng thêm 1,5-2 điểm phần trăm trong kịch bản tốt nhất là giải ngân 90% chương trình phục hồi trong 2022 và 2023”, ông nói.

 

 

 

Ông Lực cũng đưa ra một số giả định trong năm 2022 và 2023, từ đó xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, xuất khẩu có thể tăng 15-17%; giải ngân FDI tăng 10-12%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5-7% (tăng 7-9% năm 2023); doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 8-10% (tăng 10-12% năm 2023).

Ngoài ra, giải ngân hai năm Chương trình phục hồi là 70% (ở kịch bản trung bình), 90% (ở kịch bản tích cực và giá xăng dầu tăng bình quân 30-40% năm 2022, giảm 15-20% năm 2023.

Theo ông Lực, ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam năm 2022 dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 4,5-5%; ở kịch bản cơ sở, GDP sẽ tăng từ 5,5-6%; ở kịch bản tích cực, GDP sẽ tăng từ 6-6,5%. Dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng từ 6,5-7%.

 

Ông Lực cho rằng các biến số trong các kịch bản trên sẽ phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình phòng chống dịch COVID-19, Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023 và khả năng Việt Nam giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cũng tại diễn đàn, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu đưa ra là 4%.

Tuy nhiên, theo ông, vẫn có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế. Rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát, giá hàng hóa cao hơn, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài. Tăng trưởng chậm lại đáng kể ở Trung Quốc có thể làm điều này nghiêm trọng hơn.

Anh Đào