Nền kinh tế từng tăng trưởng nhanh nhất thế giới đã lao dốc ra sao?
Một nhân viên tại mỏ Oyu Tolgoi ở khu vực Nam Gobi của Mông Cổ. Ảnh: REUTERS |
Theo chuyên mục Bloomberg View, tiền tệ Mông Cổ đang lao dốc còn thâm hụt ngân sách thì gia tăng với mức độ đáng báo động. Đầu tư nước ngoài vào Mông Cổ dần cạn kiệt và kinh tế gần như ngừng tăng trưởng.
Một số dự án luật mới sẽ còn làm tình hình tồi tệ hơn. Chính phủ, cùng một số ngân hàng phát triển do nhà nước hậu thuẫn, đang mắc kẹt với 1 tỉ USD giá trị trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm tới, bắt đầu với khoản thanh toán 580 triệu USD vào tháng 3. Người dân Mông Cổ thì đang lo lắng đến mức đóng góp ngựa của mình để đất nước tránh vỡ nợ.
Rất may, nhiều lựa chọn khá hơn đang mở ra trước mắt quốc gia Đông Á. Tuần này, chính phủ Mông Cổ đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ. Đây là gói cứu trợ thứ sáu của họ trong chưa đầy ba thập niên. Trung Quốc cũng sẵn sàng giúp đỡ với điều kiện nhất định. Ngay cả khi Mông Cổ tránh được cảnh vỡ nợ, nền kinh tế nước này vẫn là bài học cảnh báo lâu dài.
Sở hữu trữ lượng khoáng sản lớn và có chung đường biên giới với nền kinh tế lớn thứ nhì hành tinh, Mông Cổ từng được xem là nơi hấp dẫn để đầu tư. Kinh tế nước này tăng trưởng 17% năm 2011 khi các mỏ khoáng sản cho ra một lượng lớn than, đồng để đáp ứng nhu cầu của Đại lục.
Tuy nhiên, điều đáng lo là chính phủ Mông Cổ tăng chi tiêu đến 56% cùng năm. Với mức lãi suất thấp bất thường, Mông Cổ là một trong các nước không mấy được tín nhiệm về mặt tín dụng có thể đi vay với điều kiện hấp dẫn vì nhà đầu tư chạy theo lợi suất cao hơn. Năm 2012, nước này phát hành 1,5 tỉ USD trái phiếu để chi tiêu cho các công trình công cộng. Nhiều công trình sang trọng, xa xỉ mọc lên rải rác trên các thảo nguyên.
Rồi thời thịnh của Mông Cổ đi qua. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giá cả các loại hàng hóa lao dốc khiến Mông Cổ chật vật. Tăng trưởng kinh tế chững lại còn nợ thì chất cao. Khi dự trữ ngoại hối sụt giảm, Mông Cổ tránh được cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán với sự giúp đỡ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
Hiện gói cứu trợ mới từ IMF sẽ giúp Mông Cổ tránh vỡ nợ, nhưng nền kinh tế nước này cần nhiều hơn thế. Trên tất cả, quốc gia Đông Á cần đa dạng hóa nền kinh tế vốn có 1/4 GDP và 90% xuất khẩu phụ thuộc vào ngành khai thác mỏ. Để làm được điều này, họ cần học hỏi cách tiếp cận mới với giới đầu tư ngoại - những nhà đầu tư đến từ các nước mà chính phủ quay lưng với việc chi tiêu phung phí trong thời gian gần đây. Kiềm chế tham nhũng cũng sẽ giúp ích nhiều. Ngân sách Mông Cổ cần siết chặt để nguồn thu được sử dụng để lập quỹ đầu tư quốc gia. Quỹ này có thể giúp đất nước thoát khỏi chu kỳ đi lên và lao dốc của các loại hàng hóa.
Nếu làm được tất cả những điều trên, tương lai kinh tế Mông Cổ vẫn tươi sáng. Quốc gia có dân số trẻ và hoạt động khởi nghiệp còn chưa mạnh. IMF ước tính rằng các mỏ khoáng sản của Mông Cổ có thể đem lại cho nước này 3.000 tỉ USD trong thời gian dài. Chấp nhận một số nỗi đau lúc này có thể giúp Mông Cổ sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dồi dào và kết thúc tình hình kinh tế tồi tệ hiện thời.