|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nên chấm dứt tranh cãi miễn hay không miễn thị thực

15:10 | 12/05/2019
Chia sẻ
Miễn thị thực cho du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục là chủ đề nổi bật trong chuyên đề về du lịch ở Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, diễn ra vào tuần rồi tại Hà Nội.
Nên chấm dứt tranh cãi miễn hay không miễn thị thực - Ảnh 1.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Đào Loan.

Khối doanh nghiệp cho rằng đây là vẫn là nút thắt của ngành du lịch và cần tháo gỡ nhằm đưa du lịch Việt Nam phát triển. Doanh nghiệp còn đề xuất, trong năm 2019, nếu Chính phủ miễn thị thực ngay cho du khách của ba nước Úc, New Zealand và Canada để lấy đà thì khối doanh nghiệp cũng cam kết thúc đẩy tăng trưởng 10-20% lượng khách du lịch từ những thị trường này.

Trong khi đó, đại diện cơ quan ngoại giao và công an lại cho rằng miễn thị thực không phải là tiêu chí để khách nước ngoài đến Việt Nam. Qua các nghiên cứu tổng kết từ khi miễn thị thực đơn phương cho các nước đến nay thì thấy chính sách này không phải là yếu tố tác động tới ngành du lịch. 

Thậm chí, tỷ lệ tăng trưởng khách từ các nước không được miễn thị thực còn cao hơn những nước được miễn thị thực, và theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thị thực chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá độ mở với quốc tế, không hoàn toàn quyết định năng lực cạnh tranh của một nước.

Việc miễn hay không miễn thị thực cho du khách luôn là chủ đề nóng. Trong hàng chục năm qua, gần như tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn liên quan đến thu hút khách quốc tế, chủ đề này cũng đều được nhắc đến. Vì thế, nhiều người đặt vấn đề, đến bao giờ thì có thể trả lời được câu hỏi nên hay không nên miễn thị thực, và ai sẽ là người trả lời?

Phía ủng hộ miễn thị thực cho rằng thủ tục này không chỉ làm du khách mất chi phí mà còn cả thời gian, cho nên gỡ bỏ được rào cản này thì du khách sẽ đến. Mà cứ có thêm 1 du khách thì nền kinh tế lại có thêm cả ngàn đô la Mỹ, vì theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, chi tiêu của một lượt khách quốc tế có nghỉ đêm tại Việt Nam vào năm 2017 là 1.171,3 đô la Mỹ.

Phía này cũng cho rằng, các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đang có chính sách thị thực rất cởi mở; ít như Thái Lan cũng đã miễn cho công dân của gần 60 nước, nhiều lên đến khoảng 170 nước, trong khi Việt Nam lại là điểm đến kém cởi mở về chính sách thị thực, với số lượng nước và vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực chưa bằng một nửa Thái Lan.

Lập luận trên bị các ngành liên quan phản bác. Chứng cứ đâu để có thể nói rằng cứ miễn thị thực thì khách sẽ tới, hay làm sao để chứng minh rằng tốc độ tăng trưởng chừng hơn 10%/năm của thị trường Tây Âu trong những năm vừa qua có được là nhờ chính sách miễn thị thực?

Nếu không trả lời được những câu hỏi này thì tranh cãi sẽ không bao giờ dứt và cơ quan quản lý du lịch là nơi thích hợp nhất để tìm câu trả lời bằng những nghiên cứu, khảo sát thực tế nhằm đưa ra tư vấn đúng đắn cho Chính phủ ra quyết sách.

Việc miễn thị thực liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có ngoại giao, sàng lọc khách, ngăn ngừa bạo động, góp phần giữ cho điểm đến an toàn - một trong những điểm cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Vì thế, nếu chỉ phía doanh nghiệp đề nghị miễn, hứa sẽ tăng lượng khách ở vài thị trường nếu được miễn thì rất khó thuyết phục Chính phủ quyết định.

Một vấn đề nữa là, ai cũng nhận thấy độ cởi mở của chính sách thị thực là điều quan trọng để thu hút khách du lịch nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ.

Nên chấm dứt tranh cãi miễn hay không miễn thị thực - Ảnh 2.

Và đây cũng lại là điểm nghẽn và là vấn đề rất cũ được lặp đi, lặp lại từ nhiều năm qua nhưng chưa có những thay đổi đột phá.

Chừng nào còn có những than phiền như các điểm du lịch biển liên tục quá tải, tăng giá vô tội vạ vào dịp đông khách; nhiều thành phố lớn thiếu sản phẩm du lịch, khách đến không biết chơi gì; đảo ngọc Phú Quốc, di sản vịnh Hạ Long quá nhiều rác; Sapa quá tải khách, thiếu nước; doanh nghiệp không tìm đủ người để phục vụ du khách... thì chừng đó chính sách thị thực cởi mở chưa thể phát huy hết tác dụng thu hút khách du lịch.

Hãy làm cho Việt Nam là một nơi đáng để bỏ thời gian để làm thị thực. Độc giả một tờ báo mạng đã để lại phản hồi như thế sau khi đọc những tranh cãi về việc nên hay không nên bỏ thị thực. Thiết nghĩ, đó là nội dung mà cơ quan quản lý du lịch cần có lời giải thấu đáo bên cạnh việc đi tìm những chứng cứ có trọng lượng liên quan đến chính sách thị thực để chấm dứt tranh cãi. Nếu cứ mãi tranh cãi mà thiếu khảo sát từ thực tế thì vấn đề sẽ vẫn còn đó.

Đào Loan

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.