Năm mới, bàn chuyện đẩy lùi 'tín dụng đen'
Nhức nhối vấn nạn tín dụng đen
Hiện nay, thị trường tài chính chính thức của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 80-85% nhu cầu vốn, phần còn lại là thị trường tín dụng phi chính thức. Do lãi suất được thỏa thuận giữa người cho vay và người đi vay nên thị trường tín dụng đen hoạt động khá công khai, không phải chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng và thường chỉ bị xử lý khi phát sinh tranh chấp hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Theo các chuyên gia kinh tế, bản chất hoạt động cho vay trên thị trường phi chính thức không phải là xấu, đây là kênh tín dụng hiệu quả, linh động nhằm giải quyết những nhu cầu tín dụng đa dạng của người dân mà các ngân hàng hay tổ chức tài chính không thể đáp ứng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực mà thị trường này mang lại thì cách thức hoạt động của tín dụng đen còn tiềm ẩn nhiều “điểm nghẽn” gây bức xúc trong xã hội.
Theo phân tích của TS. LS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Đại học Ngân hàng (TP. HCM), nhu cầu vốn của nền kinh tế luôn tăng lên, vì lẽ đó, hàng năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng hạn mức cấp tín dụng cho thị trường từ 14-20% để cung ứng dòng vốn ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của các cá nhân, tổ chức pháp nhân. Mặc dù vậy, lượng tín dụng này vẫn chưa thể “thỏa mãn” nhu cầu tín dụng của người dân, do đó, thị trường tín dụng đen đã “bùng nổ” để đáp ứng phần lớn nhu cầu này.
Người dân dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đen qua những kênh quảng cáo như thế này. |
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động của thị trường tín dụng đen đã vi phạm rất nhiều quy định của pháp luật; hoạt động kinh doanh chưa mang tính chất hỗ trợ thực sự cho những người đang cần vốn đặc biệt là dòng vốn nhỏ lẻ.
Hiện, trần lãi suất cho vay trong pháp luật dân sự quy định tối đa là 20%/năm, thế nhưng trên thực tế, hầu hết hoạt động tín dụng đen vi phạm quy định về lãi suất này. Ngoài ra cách thức thu hồi nợ cũng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, hình sự.
Những phân tích trên cho thấy, nguyên nhân khiến thị trường tín dụng đen bùng nổ là do hoạt động của thị trường này mang lại khoản lợi nhuận rất lớn, trên 100%/năm, thậm chí vài trăm %/năm. Vì lẽ đó, thị trường tín dụng đen “mọc lên như nấm” và ngày càng phát triển mạnh.
Thứ hai, do cách thức xử lý, thực hiện pháp luật trong vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với những chủ thể cho vay tín dụng đen cũng chưa chặt chẽ, đặc biệt là quá trình xử phạt vi phạm của những đối tượng cho vay tín dụng đen.
Thứ ba, mặc dù cơ chế pháp luật của đã có nhưng vẫn thiếu đi pháp luậtchuyên ngành để áp dụng trực tiếp cho hoạt động tín dụng đen nhằm giảm đi các hành vi vi phạm pháp luật.
Giải pháp căn cơ để đẩy lùi tín dụng đen
Chủ trương ngăn chặn hình thức tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” hoàn toàn đúng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tín dụng đen dựa trên việc mở rộng các gói tín dụng hiện tại sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.
Theo TS. Bùi Quang Tín, để hạn chế được tình trạng này, trước mắt, việc quản lý hình thức cho vay giữa các chủ thể với nhau theo pháp luật dân sự cần chi tiết hơn; Cần có thông tư hướng dẫn để các cơ quan ban ngành có cơ sở xử lý chặt chẽ hơn nữa đối với hoạt động cho vay theo quản lý pháp luật dân sự.
Người dân cũng nên tiếp cận nhiều hơn kiến thức về tài chính, pháp lý để hiểu rõ những nội dung, quy định trong văn bản thỏa thuận giữa người vay và người cho vay; cần am hiểu về pháp luật để tránh trường hợp vi phạm pháp luật dân sự, đặc biệt liên quan đến lãi suất, trần lãi suất.
“Sự phối hợp đó sẽ hỗ trợ trong việc giảm thiểu tình trạng tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp. Phía NHNN cũng như cơ quan bộ ngành có liên quan tiếp tục có chính sách hỗ trợ nguồn vốn tới người dân, doanh nghiệp”, TS. Bùi Quang Tín chia sẻ.
Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, để đẩy lùi tín dụng đen, các cơ quan chức năng cũng như công an kết hợp với chính quyền địa phương cần tiến hành điều tra cũng như khởi tố, xử lý các đường dây tín dụng đen ở các địa phương.
Trong bộ luật hình sự hiện nay vẫn có quy định về tội cho vay nặng lãi, vì vậy hoàn toàn các cơ quan chức năng có thể khởi tố và điều tra, xử lý về tội cho vay nặng lãi và xử lý được vấn nạn tín dụng đen.
Một giải pháp nữa mà LS. Hà đưa ra, các ngân hàng cần đưa ra những gói tín dụng có thể cạnh tranh được với tín dụng đen về thời hạn cho vay. Ngân hành chính sách hoặc ngân hàng nông nghiệp cần có gói tín dụng để hỗ trợ người dân vay những khoản vay nhỏ lẻ hoặc những khoản vay cần kíp để cạnh tranh được với tín dụng đen.
Thứ ba, các thành phố lớn cần có các công ty cho vay tài chính cá nhân bằng hình thức áp dụng công nghệ, có nghĩa là kết nối người đi vay và người cho vay. Đây là hình thức rất tốt để chống lại tín dụng đen nhưng hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý. Vì vậy các cơ quan chức năng cần xây dựng hành lang pháp lý để giúp các công ty tài chính hoạt động đúng quy định của pháp luật và áp dụng công nghệ vào hình thức cho vay.
“Chế tài xử lý hiện nay đã đủ sức răn đe, tuy nhiên để phát hiện và khởi tố các vụ tín dụng đen thì cần có sự thực thi và ra tay của các cơ quan chức năng. Thời gian qua, mới chỉ khởi tố được một số vụ ở địa phương, còn rất nhiều đường dây, vụ việc chưa bị phát hiện và vẫn hoạt động mạnh. Vấn đề không nằm ở chế tài xử phạt mà quan trọng là thực thi chế tài ra sao”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Trước thực trạng tín dụng đen đang bùng nổ và gây nhức nhối trong xã hội hiện nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng nhiều chương trình tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà người dân vay bên ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị với Chính phủ xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội dừng bớt một số chương trình để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về tín dụng hiện nay.
Xem thêm |