|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm Gà trò chuyện với nông dân

11:28 | 28/01/2017
Chia sẻ
Năm 2016, một năm ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đây là lý do khiến nửa đầu của năm, nông nghiệp tăng trưởng âm. Tuy nhiên, về cuối năm mọi thứ đã trở nên ổn định hơn, nhưng với người nông dân, đây vẫn là năm đầy khó khăn.

Tuy những nông dân trong bài này chưa mang tính đại diện cho hàng triệu hộ nông dân Việt Nam nhưng trong xu hướng toàn cầu hóa, tiếng nói đơn lẻ của những nông dân cũng cần được chú ý.

Ông Trần Văn Đạt, nông dân nuôi bò sữa ở Tân Lập Hạ, Đức Hòa, Long An: Sẽ tăng số lượng đàn bò sữa

So với những năm trước đây, năm 2016 là năm khó khăn chung của nông dân, trong đó có người nuôi bò sữa khi sữa vắt ra không bán hết. Lý do bởi các doanh nghiệp chỉ mua khoảng 90% số lượng sữa so với năm trước. Tức là những năm trước, nông dân bán 10 kg sữa mỗi ngày thì năm 2016 chỉ bán được 9 kg, còn lại nông dân phải bán ra ngoài với giá thấp. Ông Đạt cho hay, cá nhân ông phải bán đi một số bò sữa để giảm thua lỗ.

Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu năm 2017, những người nuôi bò sữa như ông Đạt tỏ ra phấn khởi khi đã có một số doanh nghiệp thu mua sữa theo phương thức mới, có lợi cho người dân. Ví dụ như công ty FrieslandCampina Việt Nam, hiện đơn vị này đang triển khai theo phương thức hợp đồng mở, tức là mỗi ngày, ông Đạt có bao nhiêu sữa cũng sẽ được mua hết chứ không mua theo hợp đồng cố định về số lượng hiện đang được hầu hết các doanh nghiệp trong ngành sữa áp dụng.

Bên cạnh đó, đơn vị này ký hợp đồng cả năm, thay vì 6 tháng như trước đây. Do đó, ông Đạt cho biết, hiện ông có 26 con bò sữa và trong năm nay sẽ mua thêm vì không còn sợ sữa thu hoạch không bán được.

Ông Phan Anh, người trồng cà phê ở Di Linh, Lâm Đồng: Đừng gom mà chờ giá lên

Đây là một năm mà cây cà phê ở Tây Nguyên, nơi chiếm hơn 90% diện tích trồng cà phê của cả nước mất mùa do thiếu nước tưới, vì thế đến đầu tháng 11/2016 nhiều hộ trồng cà phê mới được thu hoạch. Thường vụ cà phê ở Việt Nam bắt đầu từ đầu tháng 10 năm trước và kết thúc chậm nhất vào tháng 1 năm sau.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2016 mà nhiều vườn cà phê vẫn còn ra hoa. Tức là niên vụ cà phê 2016/2017 nhiều hộ nông dân mất mùa. Theo yếu tố cung cầu, mất mùa, giá cà phê thường tăng và thực tế đã phản ánh đúng khi giá cà phê trên thị trường nội địa ở mức trên 40.000 đồng/kg trong một thời gian dài.

Ông Phan Anh cho biết, nếu ai đã trồng cà phê nhiều năm sẽ nhận ra rằng, đối với cây cà phê của Việt Nam, nếu năm nay mất mùa thì năm sau sẽ được mùa. Có thể, người trồng cà phê nhiều khả năng sẽ có một vụ bội thu niên vụ cà phê 2017/2018. Nhưng theo quy luật cung cầu, sản lượng tăng, giá cà phê có thể biến động nên việc được mùa chưa hoàn toàn là tin vui với người trồng cà phê.

Vì thế, theo ông Phan Anh, để có thể tối đa hóa doanh thu từ bán cà phê, người trồng cà phê không nên bán một lúc mà chia ra bán nhiều lần. Ví dụ, một gia đình thu hoạch được 4 tấn cà phê nhân, chia ra làm 4 lần để bán với 4 mức giá khác nhau. Và như vậy, sẽ có mức giá trung bình không quá thấp.

Giải thích rõ hơn vấn đề này, ông Phan Anh cho biết, nhiều năm theo dõi thị trường cà phê, người trồng cà phê có tâm lý, khi giá tăng là ghim hàng với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng, điều này được thể hiện ở các bình luận trên các diễn đàn cà phê khi có nhiều dự báo giá tăng. Như vậy, nông dân càng tin tưởng giá tăng sẽ còn tiếp tục tăng thêm nữa.

Tuy nhiên, khi giá cà phê giảm, người nông dân lại có tâm lý bán tống báo tháo nhiều hơn, lúc này, giá giảm kèm theo lượng bán ra nhiều, giá sẽ tiếp tục giảm thêm. Vì thế, từ kinh nghiệp xương máu của mình, theo ông Phan Anh, bà con trồng cà phê cứ chia từng đợt để bán thay vì bán một lúc hết số cà phê vừa mới thu hoạch được để bảo đảm có giá mức tốt nhất có thể.

Ông Nguyễn Khánh Hồng, người trồng mía ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai: Mong nhà máy minh bạch trong tính chữ đường (CCS).

Niên vụ mía 2015/2016, giá mía nguyên liệu thấp nên đã có hiện tượng nông dân bỏ trồng mía chuyển sang cây trồng khác. Tuy nhiên, niên vụ 2016/2017 ghi nhận giá mía nguyên liệu được các nhà máy mua cao hơn niêm vụ mía 2015/2016 do một phần ảnh hưởng của hạn hán vào đầu năm, nhiều diện tích trồng mía bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, về lý thuyết niên vụ 2016/2017, giá mía nguyên liệu được nhà máy công bố mua cao hơn nhưng thực tế số tiền mà nông dân thu về lại thấp hơn năm trước. Điều này mới nghe qua tưởng là nghịch lý nhưng thực tế lại diễn ra đúng như vậy.

Nguyên nhân của chuyện này nằm ở vấn đề chữ đường (CCS).

Theo ông Hồng, vụ mía 2015/2016, dù giá mía nguyên liệu thấp, cụ thể, đầu vụ là 870.000 đồng/tấn, cuối vụ là 920.000 đồng/tấn nhưng chữ đường mía của ông luôn ở mức từ 8 CCS trở lên, thậm chí, có những xe mía đạt gần 10 CCS. Vì thế, dù giá mía thấp nhưng ông Hồng vẫn thu được hơn 660.000 đồng/tấn (sau khi trừ đi công chặt, vận chuyển...).

Sang vụ mía 2016/2017, giá mía nguyên liệu là 970.000 đồng/tấn (cao hơn 50.000-100.000 đồng/tấn), nhưng chữ đường chỉ có trên 8 CCS, có rất ít xe đạt 9 CCS, vì thế, giá mua mía nguyên liệu dù cao hơn năm ngoái nhưng số tiền sau khi trừ công vận chuyển, công chặt, ông Hồng thực nhận từ 590.000-610.000 đồng/tấn, tức thấp hơn khoảng 50.000 đồng/tấn. Như vậy, vụ mía 2016/2017, ông Hồng thu về số tiền thấp hơn vụ trước dù trên thực tế giá mía nguyên liệu lại cao hơn.

Trong vụ mía này, đã có thương lái gọi điện thoại cho ông Hồng để hỏi mua mía và bao chữ đường, tức là mía nguyên liệu mà ông Hồng chấp nhận bán cho thương lái này sẽ không kiểm tra chữ đường và chỉ cần đồng ý, ông Hồng sẽ bỏ túi 750.000 đồng/tấn. Bán cho thương lái sẽ có lợi hơn nhưng vì đã ký hợp đồng với nhà máy rồi nên ông phải tuân theo hợp đồng.

Điều mà ông Hồng mong muốn là trong thời gian tới, cơ quan quản lý, các nhà máy cần minh bạch trong cách tính và công bố chữ đường cho người trồng mía. Cụ thể, vụ mới tới, mong muốn của ông Hồng là nhà máy khi kiểm tra chữ đường trên xe mía nguyên liệu phải có sự chứng kiến của nông dân để họ có thể giám sát và đọc những thông số trên máy kiểm tra kết quả chữ đường thay vì cách làm như lâu nay.

Vũ Hạ