|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năm 2018 trình Quốc hội báo cáo về sân bay Long Thành

20:35 | 24/10/2016
Chia sẻ
Đó là mốc tiến độ được đưa ra trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Dự án cảng hàng không quốc tế  (CHKQT) Long Thành vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
nam 2018 trinh quoc hoi bao cao ve san bay long thanh

Một góc phối cảnh sân bay Long Thành - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ trưởng Bộ GTVT thay mặt Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Về công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho giai đoạn 1 của dự án, Chính phủ cho biết đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và cho phép sử dụng nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để đấu thầu tư vấn quốc tế thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án.

Hiện nay, ACV đang tổ chức thi tuyển lựa chọn phương án thiết kế kiến trúc CHKQT Long Thành, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2016 (bao gồm cả thời gian lấy ý kiến cộng đồng).

Sau khi tổ chức thi tuyển kiến trúc, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017), thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi khoảng 16 tháng, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2018.

Đánh giá chung về tình hình triển khai dự án, Chính phủ cho biết đến thời điểm hiện tại, so với kế hoạch ban đầu tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi bị chậm khoảng tám tháng.

Nguyên nhân là tiến độ dự kiến ban đầu do chủ đầu tư lập có áp dụng một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai dự án như tuyển chọn phương án kiến trúc nhà ga hành khách CHKQT Long Thành và thực hiện song song vói việc giải phóng mặt bằng từ năm 2016.

Tuy nhiên, đến nay do đặc thù công trình nhà ga hành khách, dự án vẫn tiến hành thi tuyển kiến trúc theo quy định của pháp luật, việc này dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện khoảng chín tháng.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư chưa được tách thành tiểu dự án riêng, Quy hoạch khu tái định cư và dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư được nghiên cứu đồng thời và sẽ được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án được phê duyệt.

Tuy nhiên, Chính phủ cho biết đối chiếu với quy định của Quốc hội tại nghị quyết số 94/2015/QH 13 (giai đoạn 1 của dự án chậm nhất phải hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025), tiến độ triển khai dự án về cơ bản vẫn được đáp ứng.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư dự án để tập trung nghiên cứu, phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình Quốc hội vào cuối năm 2018. Sau khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai các bước của dự án theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đang tổ chức thẩm định cơ chế đặc thù về thu hồi đất và tái định của dự án CHKQT Long Thành.

Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội về một số cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và triển khai thực hiện dự án.

Ngày 25-6-2015, Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 9 có nghị quyết số 94/2015/QH13 thông qua chủ trương đầu tư dự án CHKQT Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Dự án có diện tích sử dụng đất 5.000ha, trong đó diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha, diện tích dành cho quốc phòng là 1.050ha, diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200ha.

Quy mô dự án là đầu tư xây dựng cảng hàng không đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Theo quy định tại nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, dự án CHKQT Long Thành cần được Quốc hội thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi từng giai đoạn trước khi quyết định đầu tư.

Theo Tuấn Phùng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.